Quảng Trị: Ngư dân khó bám biển khi giá nhiên liệu tăng

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu tăng, nhân công khó khăn khiến nhiều tàu cá phải nằm bờ dù đang vào mùa khai thác. Những chuyến bám biển cũng phải gác lại với bao nỗi trăn trở của ngư dân...

Đi chỉ có lỗ

Đi dọc theo khu neo đậu tàu thuyền tại các bến cảng Cửa Việt, Cửa Tùng (huyện Gio Linh, Quảng Trị) những ngày này dễ dàng bắt gặp những hình ảnh về hàng trăm, hàng nghìn tàu, thuyền lớn nhỏ của ngư dân Quảng Trị nằm bờ. Thi thoảng, chủ tàu xuống thuyền để kiểm tra tài sản trên tàu.

Ông Mười Mẫn vừa vá tấm lưới bị hư vừa lo lắng khi giá dầu tăng cao khiến nguồn thu đánh bắt về không đảm bảo.
Ông Mười Mẫn vừa vá tấm lưới bị hư vừa lo lắng khi giá dầu tăng cao khiến nguồn thu đánh bắt về không đảm bảo.

Bên trong cảng cá Cửa Việt, ông Mười Mẫn (trú tại phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) vừa đưa chiếc tàu đánh cá công suất 500 CV cập bờ để sửa chữa tấm lưới bị hư hỏng khi đang đánh bắt ở ngoài khơi. Nghe tin giá dầu từ hơn 22.000 đồng tăng lên hơn 25.000 đồng, ông Mười Mẫn than thở: “Dầu lên chi dữ rứa trời, ai dám đi biển nữa! Thuyền tôi đi một đêm cả 400 - 500 lít dầu. Mỗi chuyến đi dài ngày phải tốn 5.000 lít dầu, tính sơ trên 120 triệu đồng rồi, trong khi đó giá hải sản thì không tăng”.

Ông Mười Mẫn cho biết thêm với công suất 500 CV, tàu đánh cá của ông thường đi 6 tháng khơi, 6 tháng lộng ra ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Dù còn 1 tháng nữa đánh bắt ở vùng khơi nhưng giá dầu tăng khiến ông lo lắng. “Biết đi khơi không có đường nào lời nổi hết nhưng ra ngoài đó được cái để mà giữ biển, giữ đảo của mình” - ông Mười Mẫn chia sẻ nỗi trăn trở của mình.

Một chiếc tàu công suất lớn neo đậu tại cảng cá Cửa Việt chờ tìm kiếm lao động để ra khơi bám biển.
Một chiếc tàu công suất lớn neo đậu tại cảng cá Cửa Việt chờ tìm kiếm lao động để ra khơi bám biển.

Cũng chung nỗi lo, ông Võ Văn Huynh (trú tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đang “đỏ mắt” tìm nhân công khi trừ đi chi phí thì số tiền trả cho “bạn nghề” không được bao nhiêu. Trong khi đó, chiếc tàu cá có công suất lớn nhất tỉnh Quảng Trị với 1.160 CV, ông Huynh hy vọng giá sản phẩm đánh bắt về sẽ tăng khi giá dầu đang tăng cao.

“Một chuyến mình đi Hoàng Sa, Trường Sa tốn khoảng 90 - 100 triệu đồng tiền dầu, thực phẩm, đá lạnh… nên không dám trả lương, công nhân trên tàu ăn chia theo sản phẩm. Như một chuyến đi Trường Sa tàu cá của tôi tốn khoảng 3.000 lít dầu. Giá dầu tăng nhưng giá cá không tăng bởi dịch Covid-19 khiến việc xuất hải sản ra thị trường gặp khó khăn” - ông Võ Văn Huynh cho biết thêm.

Thường mỗi chuyến đi biển của ông Võ Văn Huynh tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa kéo dài 14 - 15 ngày và cần khoảng 10 lao động. Tuy nhiên, dù cố gắng ông vẫn không tìm đủ nhân công.

Dọc theo khu neo đậu cảng cửa Việt là hàng loạt tàu cá  nằm bờ khi giá nhiên liệu tăng trong khi việc tìm lao động trên tàu khó khăn.
Dọc theo khu neo đậu cảng cửa Việt là hàng loạt tàu cá  nằm bờ khi giá nhiên liệu tăng trong khi việc tìm lao động trên tàu khó khăn.

Dù từ đầu năm đến nay, tàu cá của Võ Văn Huynh đã ra khơi 2 chuyến nhưng giá dầu tăng khiến các chi phí khác cũng tăng theo. Sau khi trừ các chi phí, mỗi lao động cũng chỉ nhận được 10 triệu đồng cho 2 chuyến đi biển. Điều đó, khiến họ không mặn mà cho những chuyến tiếp theo.

“Như những năm trước không dịch thì hải sản xuất đi nhiều nơi, chi phí ít hơn nên lương công nhân cao hơn. Trong khi đó, hiện nay giá dầu tăng nhưng giá hải sản không tăng. Giờ tìm “bạn nghề” cũng rất khó, quanh quẩn lại còn mấy ông già đi cùng chứ thanh niên làng biển đã đi xuất khẩu lao động hết” - ông Võ Văn Huynh băn khoăn nói.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Còn với ngư dân Nguyễn Đức Dã (thôn Phú Hội xã Triệu An, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) thì gần 3 tháng qua, tàu cá của ông chưa thể ra khơi đánh bắt hải sản bởi nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 ảnh hưởng cũng như giá dầu liên tục tăng.

Nhớ biển, nhớ nghề hàng ngày ông ra vô trông coi chiếc tàu đang neo đậu tại bến cá. Chạy vạy khắp nơi vừa tìm nguồn lực vừa tìm “bạn nghề”, ông Nguyễn Đức Dã chia sẻ: “Bám biển bao đời nay, giờ để tàu nằm bờ thế này sốt ruột lắm! Chúng tôi hiện nay đang tìm kiếm nhân lực cho chuyến ra khơi tới đây dù biết rằng chi phí sẽ đội lên 20 - 25%”.

Tình trạng tàu cá nằm bờ cũng tương tự tại khu neo đậu Cửa Tùng (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).
Tình trạng tàu cá nằm bờ cũng tương tự tại khu neo đậu Cửa Tùng (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).

Theo thống kê, Quảng Trị hiện có khoảng 2.500 chiếc tàu đánh cá với tổng công suất gần 108.500 CV, trong đó có 208 tàu có công suất trên 90 CV, có khoảng 20 tàu có công suất trên dưới 1.000 CV. Sản lượng khai thác hàng năm đạt khoảng 25.000 tấn thủy, hải sản.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2021 đến nay, bên cạnh khó khăn về lao động còn do giá dầu diesel tăng cao, nhiều chủ tàu lớn không có điều kiện để vươn khơi dài ngày. Ngoài ra, hiện Quảng Trị có nhiều tàu cả chưa hoàn thành việc cải hoán, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với nhóm tàu có chiều dài từ 15m trở lên nhưng công suất máy dưới 90 CV để đáp ứng các quy định của Luật Thủy sản vì chủ tàu thiếu kinh phí.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoài Nam - Chi cục trưởng Chi cục Thủy hải sản (Sở NN&PTNT Quảng Trị) cho biết: "Sở đã hướng dẫn bà con cải hoán nâng cấp đối với tàu có chiều dài trên 15m công suất dưới 90 CV thì đã thực hiện cải hoán trên 90%. Hiện nay, còn phải chờ các thủ tục và chấp hành theo đúng các quy định khai thác theo vùng".

Dù khó khăn nhưng nhiều ngư dân vẫn quyết tâm bám biển vừa có nguồn chi phí và bám biển giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương.
Dù khó khăn nhưng nhiều ngư dân vẫn quyết tâm bám biển vừa có nguồn chi phí và bám biển giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương.

“Đối với các tàu trên 15m và trên máy 90 CV cũng đang kiểm tra rà soát để cải hoán làm sao cho đảm bảo để thực hiện luật thủy sản nghiêm túc, phòng chống khai thác bất hợp pháp không báo cáo theo quy định sớm gỡ thẻ vàng của châu Âu đới với hải sản Việt Nam” - ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.

Năm 2022, dù Quảng Trị phấn đấu khai thác 27.500 tấn hải sản, tuy nhiên do những khó khăn hiện hữu cũng như về lâu dài nên con số trên khó đạt được. Trước tình hình này, ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đã báo cáo, đề xuất UBND tỉnh Quảng Trị để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho bà con ngư dân tiếp tục bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương.