Quảng Trị tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng vừa phê duyệt Đề án định hướng thu hút đầu tư giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn 2030. Phấn đấu xây dựng Quảng Trị là địa chỉ hấp dẫn, tin cậy, hiệu quả, là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong thời gian tới.

Khởi sắc

Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Trị, trong những năm qua, công tác đầu tư trên địa bàn đã có những bước tiến rõ rệt, thu hút được nhiều dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, nhà đầu tư mạnh đến nghiên cứu, khảo sát, đề xuất dự án đầu tư và triển khai đầu tư.

Đồng thời, môi trường đầu tư được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI ) tăng điểm qua từng năm, chỉ số PAPI và chỉ số cải cách hành chính luôn thuộc nhóm đầu của cả nước. Giai đoạn 2016-2021, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 73.423 tỷ đồng. Đến 31/12/2022, toàn tỉnh Quảng Trị có số lượng doanh nghiệp đang hoạt động là 3.752 doanh nghiệp.

Trong giai đoạn 2016-2021, Quảng  Trị đã thu hút nhiều dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 211.000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2016-2021, Quảng  Trị đã thu hút nhiều dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 211.000 tỷ đồng.

Trong năm 2021, quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2021 ước tính đạt 36.808,5 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2021 ước tính đạt 56,8 triệu đồng. Tính theo giá so sánh, GRDP bình quân đầu người năm 2021 trên tính tăng 4 79% so với năm 2020.

Trong giai đoạn 2016-2021, tỉnh Quảng Trị đã thu hút được 358 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 211.000 tỷ đồng. Trong đó,  đã thu hút 72 dự án đầu tư vào các KCN, KKT với tổng vốn đăng ký là gần 151.300 tỷ đồng, chiếm 71, 68%.

Đã có một số dự án trọng điểm mang lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội đối với Quảng Trị, như: Nhà máy điện gió Hướng Linh 1 và Hướng Linh 2, nhà máy điện gió GELEX 1,2,3; nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1, Kho xăng dầu Việt Lào…

"Cánh đồng" điện gió tại xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã góp phần mang lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội đối với địa phương này.
"Cánh đồng" điện gió tại xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã góp phần mang lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội đối với địa phương này.

Nhìn chung, giai đoạn 2016-2021, các dự án đầu tư thu hút được chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp – xây dựng (chiếm 83,44%), thương mại-dịch vụ (chiếm 14,93%), lâm-ngư nghiệp (chiếm 1,12%) và y tế- giáo dục (0,51%).

Có thể thấy, trong thời gian qua, các dự án đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài đã có những đóng góp hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Trị. Nhiều dự án đi vào hoạt động đã nộp ngân sách, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động địa phương, góp phần to lớn vào việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong những năm qua.

Các dự án đầu tư vào khu vực đô thị đã góp phần chỉnh trang đô thị, hình thành diện mạo mới, hiện đại cho khu vực đô thị, nhất là thành phố Đông Hà. Hệ thống dịch vụ ngân hàng, các trung tâm thương mại dịch vụ tương dần dần được phát triển; bước đầu hình thành các cơ sở xã hội hóa về lĩnh vực văn hóa, thể thao, xây dựng cơ sở hạ tầng (nhiều bệnh viện tư nhân, cơ sở giáo dục ngoài công lập đã hoạt động).

Định hướng thu hút đầu tư

Tuy nhiên, hiệu quả thu hút đầu tư chưa đáp ứng với yêu cầu đặt ra, chưa phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, số lượng dự án còn ít… cũng như chưa đóng góp lớn cho ngân sách. Bên cạnh đó, thực trạng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong thời gian qua cho thấy ngoài những yếu tố khách quan thì về cơ bản Quảng Trị chưa chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết đảm bảo cho nhà đầu tư thực hiện dự án một cách hiệu quả, môi trường đầu tư còn nhiều hạn chế, năng lực cạnh tranh của tỉnh còn thấp.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, Đề án định hướng thu hút đầu tư giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn 2030 sẽ đề ra những giải pháp đảm bảo thu hút và quản lý vốn đầu tư trong và ngoài nước, góp phần thực hiện thành công kế hoạch phát triển xã hội 5 năm 2023-2025 của tỉnh Quảng Trị.

Quảng Trị sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư cùng với các giải pháp cụ thể nhằm thu hút nhà đầu tư trong thời gian đến.
Quảng Trị sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư cùng với các giải pháp cụ thể nhằm thu hút nhà đầu tư trong thời gian đến.

Đồng thời, nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có của tỉnh phục vụ quá trình xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Phấn đấu xây dựng Quảng Trị xứng đáng là địa chỉ hấp dẫn, tin cậy, hiệu quả, là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong thời gian tới.

Quảng Trị định hướng thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Trị trong giai đoạn này, gồm: đầu tư hạ tầng; các ngành, lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, thương mại- dịch vụ, y tế-giáo dục.

Quảng Trị tiếp tục thu hút vào ngành, lĩnh vực công nghiệp dựa trên lợi thế so sánh của địa phương.
Quảng Trị tiếp tục thu hút vào ngành, lĩnh vực công nghiệp dựa trên lợi thế so sánh của địa phương.

Trong đó, các ngành công nghiệp dựa trên lợi thế so sánh của địa phương, như: Công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản, nhất là chế biến gỗ, silicat, dệt may. Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên. Một số ngành dịch vụ có tiềm năng phát triển, giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh. Các dự án đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp, lựa chọn những dự án có chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Phấn đấu sớm khởi công đưa nhà máy nhiệt điện khí sử dụng khí từ mỏ Báo Vàng vào hoạt động cũng như triển khai xây dựng các dự án năng lượng tái tạo đã được quy hoạch. Xây dựng Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng của miền trung vào năm 2030.

Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị (phối cảnh) với tổng mức đầu tư 2,3 tỷ USD đã được khởi công vào tháng 1/2022.
Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị (phối cảnh) với tổng mức đầu tư 2,3 tỷ USD đã được khởi công vào tháng 1/2022.

Đồng thời, thu hút đầu tư, phát triển mạnh dịch vụ vận tải, mạng lưới kho tàng, bến bãi, dịch vụ logistic, phấn đấu Quảng Trị trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực vào năm 2030.

Nghiên cứu phát triển Khu kinh tế-thương mại Lao Bảo gắn với định hướng phát triển đô thị, thương mại dịch vụ logistic xuyên biên giới. Khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghệ số, chuyển đổi số; các dự án đầu tư công nghệ cao, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh. Các dự án về hạ tầng viễn thông, nền tảng công nghệ số.

Theo đó, danh mục ưu tiên thu hút đầu tư vào Quảng Trị có 84 dự án, trong đó lĩnh vực công nghiệp điện-năng lượng 4 dự án; sản xuất-chế biến nông nghiệp 14 dự án; sản xuất chế biến công nghiệp 14 dự án; cơ sở hạ tầng 22 dự án; dịch vụ giáo dục-y tế-du lịch 30 dự án.