Gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ, tại những vườn đào, quất khu vực Nhật Tân, Phú Thượng, Tứ Liên, Hà Nội, khách đã bắt đầu đến xem cây, xem dáng. Theo đánh giá của các chủ vườn, giá đào, quất sẽ giảm so với mọi năm khoảng 10%.
Quất không tăng giá
Ông Hoà, chủ vườn quất Thảo Hoà, phường Tứ Liên có tới 500 cây quất trong vườn đều sai quả, dáng đẹp. Ông cho biết, hiện đã có người đặt trước mua quất của ông nhưng nhộn nhịp nhất là từ khoảng rằm tháng Chạp trở đi, khách đến xem, đặt mua cây không chỉ đến từ Hà Nội mà còn ở các tỉnh lân cận và từ miền Nam bay ra mua quất, đào rồi vận chuyển theo đường bộ, hàng không.
Nhiều chủ vườn đánh giá năm nay, quất được mùa-Ảnh: VGP/Huy Anh
Những năm gần đây, cho thuê gốc đào, quất cũng là một xu hướng kinh doanh của các chủ vườn. Các cây cho thuê là những cây có dáng đẹp, quất thế, gốc lâu năm, nếu bán trong khi người thuê giảm chi phí (nếu mua có thể lên đến hàng chục triệu đồng) lại không mất công chăm sóc. Trước Tết khoảng 10 ngày, các chủ vườn sẽ vận chuyển đến địa chỉ của khách hàng, qua rằm tháng Giêng lại đến lấy gốc về.
Những năm gần đây, vào dịp Tết, lượng quất, đào từ các địa phương khác trồng như Văn Giang (Hưng Yên), Hà Nam được đưa về bán ở Hà Nội khá nhiều.Tuy nhiên, quất Tứ Liên, Quảng Bá vẫn được ưa chuộng bởi những đặc trưng riêng như quả to, mọng, đều, khi đánh lên dài ngày lá vẫn xanh. Lý giải cho những đặc trưng trên, các chủ vườn đều cho rằng ngoài những bí quyết chăm sóc có từ lâu năm thì điều tiên quyết đó là do đất trồng lấy từ phù sa ven sông Hồng. Vì vậy, giá quất tại Tứ Liên, Quảng Bá thường cao hơn các địa phương khác. Những gốc quất lâu năm, quất thế, có tán, có dáng, thế phu phụ, tam đa, lục điền… có giá từ 10-20 triệu đồng, cây dưới 0,5m có giá vài trăm đến hơn triệu đồng, cây cao từ 1m trở lên, dáng tròn khoảng từ 5 triệu đồng.
Các chủ vườn cũng nhận định với sự thắt chặt chi tiêu năm nay, những cây giá cao sẽ khó bán hơn, còn chủ yếu là những cây có giá từ vài trăm nghìn đồng cho đến vài triệu. Vì vậy, dù thị trường cận Tết có nhộn nhịp người mua thì các chủ vườn cũng sẽ tùy cơ ứng biến và tính đến cả chuyện giảm giá để phù hợp với tình hình chung, miễn sao bán được nhiều hàng.
"Của một đồng công một nén"
Ấy là chuyện chăm sóc đào.
Thời tiết Hà Nội dịp này thường lạnh, rét buốt, có hôm xuống dưới 10 độ C, lại thêm sương mù và mưa phùn vào ban ngày khiến cho việc chăm sóc các vườn đào của các chủ vườn gặp nhiều khó khăn.
Có mặt tại khu vực trồng đào Nhật Tân thời điểm này mới thấy các chủ vườn đang vất vả chăm sóc cho vườn đào của mình, hầu hết các vườn đào đang được phủ nilon trùm toàn bộ cây, kể cả những cây còn trồng trong vườn và những gốc đã được đánh vào chậu. Nhiều gốc cây còn được kèm theo đèn sưởi ấm để kích thích nụ phát triển nhanh và nở đúng dịp Tết, một số cây lác đác có hoa được để nguyên trong trời lạnh với mục đích không để các nụ nở hoa.
Thắp đèn kích thích nụ nở đúng dịp Tết. Ảnh: VGP/Huy Anh
Ông Thắng, một chủ vườn đào 200 gốc ở Nhật Tân cho biết, một số gốc đào đã được đánh lên trồng vào chậu chờ ngày giao cho khách, nhưng với thời tiết lạnh hiện nay, toàn bộ các gốc đào đang được phủ nilon để bảo vệ.
Ngoài các gốc đào thế có giá trị, các chủ vườn cũng phát triển xen kẽ những cây đào nhỏ với giá một vài triệu và những cây cắt cành bán vài trăm nghìn đồng để phục vụ cho các nhu cầu chơi đào khác nhau.
Qua khảo sát, các chủ vườn cho biết, tuy thời tiết có nhiều bất lợi, nhưng không lo Hà Nội thiếu đào Tết. Năm nay dù thời tiết lạnh nhưng không phải là lạnh và khắc nghiệt nhất so với những năm trước.
Tuy vậy, các chủ vườn đào cũng hy vọng rằng thời tiết sẽ ấm lên để các gốc đào bật nụ ra hoa, nếu không Tết này sẽ hiếm đào đẹp. Với số lượng ít thì giá đào sẽ tăng cao, một phần cũng do chi phí đầu vào tăng cao như giá phân bón, dịch vụ, chi phí cho nhân công chăm sóc và vận chuyển. Nhưng các chủ vườn cho rằng họ cũng không dám bán giá quá cao vì sợ rằng khó có người mua. Với các gốc đào cho thuê giá cũng sẽ giảm hoặc không tăng so với năm ngoái vì như vậy mới thu hút được khách hàng lâu dài.