Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quay cuồng với nắng nóng

Nhóm PVTS
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/5, nền nhiệt độ tại Hà Nội tăng cao, có thời điểm lên tới hơn 40oC. Nắng nóng khiến cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân gặp nhiều vất vả, trở ngại.

 Người lao động tự do mưu sinh dưới nắng nóng gay gắt ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng 

Nhọc nhằn mưu sinh
Sau thời gian giãn cách xã hội phục vụ phòng chống dịch Covid-19, thời gian qua, các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần được phục hồi. Tuy nhiên, nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ duy trì ở mức cao những ngày qua khiến cho cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng không nhỏ. Đặc biệt, đỉnh điểm ngày 21/5, nhiệt độ tại Hà Nội lên tới 42oC. Giữa cái nắng như thiêu đốt, hàng trăm lao động từ phụ hồ, xe ôm, công nhân xây dựng, người thu mua phế liệu, bán hàng rong… vẫn lặng lẽ lau những giọt mồ hôi, vật lộn mưu sinh.
Để giảm thiểu tác hại do nắng nóng, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh bố trí thêm quạt thông gió, điều hòa không khí, ghế ngồi chờ, mái che... bảo đảm thoáng mát cho người dân đến khám chữa bệnh; cung cấp đủ nước uống sạch miễn phí tại khu vực Khoa Khám bệnh và các khu nội trú. 

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà
Ông Nguyễn Văn Hùng, lái xe ôm tại khu vực quận Đống Đa chia sẻ, thời tiết nắng nóng nên ông phải tranh thủ chạy từ 5 giờ sáng. Theo ông Hùng, ngày nắng nóng khách hạn chế ra ngoài bằng xe ôm nên cánh tài xế phải nhẫn nại chờ khách. “Buổi sáng, mình bám sát mép đường chờ khách nhưng gần trưa cho đến chiều, nắng gắt phải nép vào gốc cây hay mái hiên của các cửa hàng để tránh nóng. Cực lắm nhưng vì mưu sinh nên phải cố gắng” – ông Hùng chia sẻ.
Không chỉ người lao động, dân văn phòng, công sở cũng vật lộn đối phó với nắng nóng. Chị Nguyễn Thị Thủy, nhân viên Ngân hàng TPBank chia sẻ, do nắng nóng, buổi trưa không thể ra ngoài đi ăn nên buổi sáng chị phải dậy sớm chuẩn bị cơm trưa. “Bình thường, buổi sáng đi làm khá đàng hoàng vì có nhiều thời gian nhưng mấy ngày nắng nóng, hôm nào tôi cũng phải dậy sớm chuẩn bị cơm nước. Buổi trưa cũng hạn chế ra ngoài” – chị Thủy cho biết.
Gia tăng vi phạm giao thông
Ghi nhận vào sáng ngày 21/5 tại ngã tư Láng Hạ - Thái Hà (quận Đống Đa), nhiệt độ ngoài trời lúc 10 giờ sáng vào khoảng 35oC nhưng tổ công tác thuộc đội CSGT số 3 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) vẫn túc trực điều tiết giao thông, đồng thời kiểm soát phương tiện theo kế hoạch. Mồ hôi nhễ nhại bởi cái nắng rát da thịt, thế nhưng chỉ trong gần 1 giờ đồng, tổ tuần tra kiểm soát thuộc Đội CSGT số 3 do Thượng úy Trần Tiến Mạnh làm tổ trưởng đã phát hiện, xử lý hàng chục lỗi vi phạm lớn nhỏ, trong đó có gần 10 trường hợp xe máy vượt đèn đỏ. Thành phần và độ tuổi lái xe vi phạm khá đa dạng, từ học sinh, sinh viên, công chức, tài xế công nghệ đến người trung tuổi…
Thượng uý Trần Tiến Mạnh cho biết, trong thời gian nắng nóng như mấy ngày qua, người dân có tâm lý thiếu kiên nhẫn khi dừng chờ đèn tín hiệu, xu hướng các phương tiện, đặc biệt là xe máy vượt đèn đỏ để tránh nắng gia tăng. “Hành vi vượt đèn đỏ rất nguy hiểm, nhất là với những phương tiện lớn, tốc độ cao. Tất cả những trường hợp này, chúng tôi đều kiên quyết lập biên bản và xử phạt nghiêm theo quy định” - Thượng uý Trần Tiến Mạnh nói.
Trong đợt cao điểm nắng nóng như hiện nay, lực lượng CSGT Thủ đô luôn bảo đảm quân số chốt trực, điều tiết, chống ùn tắc giao thông; tăng cường các tổ công tác tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo Kế hoạch của Cục CSGT.
Mối lo đi khám bệnh
Bên cạnh mối lo từ dịch Covid-19, tình trạng nắng nóng kéo dài gây không ít khó khăn, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, đặc biệt với trẻ em, sản phụ, người cao tuổi… Có mặt tại Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, BV Phụ Sản Hà Nội từ 8 giờ sáng ngày 21/5, ghi nhận của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị cho thấy, tất cả trong khu vực phòng khám bệnh, phòng chờ, tới hành lang, vỉa hè, ghế đá đều chật kín người. Đa phần là người dân từ các tỉnh lên Hà Nội chăm sóc người nhà đang điều trị bệnh hoặc đi khám bệnh. Ai cũng mệt mỏi phần vì lo lắng cho người thân, phần vì nỗi vất vả trong những ngày thời tiết nắng nóng khắc nghiệt.
Uể oải sau hành trình dài từ huyện Mường La, tỉnh Sơn La đưa con trai mới 2 tháng tuổi xuống Bệnh viện Nhi T.Ư khám bệnh, chị Lò Thị Hường (29 tuổi) chia sẻ: “Mấy ngày nay, con tôi bị chướng bụng, ăn khó tiêu, khóc nhiều, vợ chồng tôi lo quá. Để tránh nắng nóng, tôi cùng chồng và con phải đi từ 9 giờ tối hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau mới tới BV. Sau khi nghỉ tạm tại hành lang BV, chờ đến 6 giờ 30 phút sáng, con tôi được khám đầu tiên”.
Đặc biệt, nhiệt độ lên cao, nắng nóng khó chịu luôn là nỗi ám ảnh với các bà bầu, bởi trong thời gian mang thai, thân nhiệt phụ nữ vốn đã tăng cao hơn bình thường. Khệ nệ ôm bụng bầu ở tháng thứ 6 đi khám trong thời tiết lên đến 40oC, chị Cao Thị Thanh Huyền (26 tuổi, Thanh Ba, Phú Thọ) tâm sự: “Mấy ngày nay, nắng nóng quá, tôi cảm giác lúc nào cũng ngột ngạt, bức bối, mệt mỏi. Gần như cả ngày tôi chỉ ở trong phòng điều hòa không dám ra ngoài. Đến BV chờ đợi khám thai trong cái nắng nóng như bây giờ quả là nỗi ám ảnh”.
Còn tại BV Lão khoa T.Ư, người đến khám chữa bệnh đã bắt đầu đông trở lại, công tác kiểm soát ra vào vẫn được siết chặt, tất cả người ra vào đều được đo nhiệt độ, khai báo y tế. Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Khám theo yêu cầu, sau dịch, lượng bệnh nhân tới thăm khám tăng vọt, tuy nhiên vẫn chưa bằng so với dịp trước khi xảy ra dịch bệnh. Hầu hết bệnh nhân cao tuổi đến khám các bệnh lý về tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… và có biến chứng âm thầm, do vậy cần được theo dõi sát sao và dùng thuốc liên tục. 
Nông dân chủ động ứng phó nắng nóng
Những ngày qua, Hà Nội ghi nhận nền nhiệt độ ở mức cao, nhiều thời điểm lên tới 35 – 37oC. Dù chưa ảnh hưởng quá lớn đến sản xuất nhưng nông dân nhiều địa phương đã chủ động các biện pháp ứng phó. Mới 7 giờ sáng 21/5, nắng đã lên khá chói chang trên cánh đồng rau thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh). Bà con nông dân nơi đây đã xuống đồng từ trước đó nhiều giờ để tránh nắng nóng gay gắt. Bà Hoàng Thị Sáng – thôn Đông Cao cho biết, bà phải dậy từ 5 giờ sáng để ra đồng chăm sóc, thu hoạch rau. “Trời nắng nên tần suất tưới cũng tăng 1 – 2 lần so với bình thường để bảo đảm rau màu được cung cấp đủ nước” – bà Sáng nói.
Tại một số vùng rau khác ở xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức), xã Vân Nội (huyện Đông Anh), xã Thư Phú (huyện Thường Tín)… bà con nông dân cũng xuống đồng từ khi trời tảng sáng để tránh nắng nóng. Ở một số địa phương, bà con nông dân còn đầu tư giàn che phủ nilon để bảo vệ cây trồng. Cùng với trồng trọt, việc chủ động chống nóng cho đàn vật nuôi cũng được nông dân các địa phương chú trọng. Ông Nguyễn Bá Lợi, một hộ chăn nuôi bò tại xã Minh Châu (huyện Ba Vì) cho biết, để bảo đảm sức khỏe cho đàn bò 4 con, gia đình tập trung che chắn, làm mát chuồng trại. Ngoài tắm mát cho bò, ông Lợi cũng bổ sung thêm thức ăn xanh và nước uống thường xuyên để tăng đề kháng cho vật nuôi.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, nắng nóng kéo dài có thể làm giảm sức đề kháng, nảy sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi. Do đó, các hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải thường xuyên kiểm tra chuồng trại, che chắn thêm các vật liệu chống nắng nóng để giúp chuồng trại thoáng mát. “Bà con cũng có thể dùng quạt mát thông gió chuồng nuôi, lắp đặt hệ thống phun sương tạo độ ẩm để làm mát không khí trong chuồng, đồng thời tăng số lần tắm cho gia súc, nhất là gia súc có chửa, chờ phối giống” – ông Sơn khuyến nghị thêm.