Quét mã QR khai báo y tế tại cơ sở kinh doanh, dịch vụ: Nơi nghiêm túc, chỗ lơi là

Bình Minh - Kim Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch, đảm bảo việc truy vết được nhanh chóng, khoanh vùng chính xác, đúng đối tượng, kịp thời ngăn chặn lây lan bằng ứng dụng công nghệ trong trạng thái bình thường mới, TP Hà Nội yêu cầu các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ… bắt buộc phải thực hiện tạo mã QR để kiểm soát người ra vào.

Tuy nhiên, tại một số cửa hàng, chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội vẫn có tình trạng người dân phớt lờ quy định.

Quét mã QR khai báo y tế tại cơ sở kinh doanh, dịch vụ: Nơi nghiêm túc, chỗ lơi là - Ảnh 1
 Người dân quét mã QR trước cửa siêu thị Vinmart trên địa bàn quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Chỉ thực hiện khi bị nhắc nhở
Sáng 27/9, khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại các cửa hàng kinh doanh dọc một số tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Nguyên Hồng… lượng khách đến mua hàng tuy chưa bằng thời điểm trước dịch song các cửa hàng kinh doanh dịch vụ đều thực hiện nghiêm các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 như: Chỉ bán mang về, dán mã QR code ngay tại cửa ra vào, bố trí nước sát khuẩn tay, yêu cầu cả nhân viên và khách hàng thực hiện đúng 5K.
Đáng chú ý, cùng với việc bắt buộc quét mã QR code, nhiều hàng quán còn bày thêm ghế trước mặt tiền để người dân tiện việc ngồi xếp hàng đảm bảo giãn cách khi đợi đến lượt. Chị Nguyễn Thị Dung, chủ cơ sở bánh mì giò chả trên phố Nguyên Hồng cho biết: “Cửa hàng dán mã QR được đặt ngay dưới tấm biển “chỉ bán mang về” để thuận tiện cho người dân. Việc dán mã QR đã được một tuần nay nên hầu hết khách khi đến cửa hàng đều tự giác quét và khai báo y tế, chúng tôi không phải nhắc nhở nhiều”.
Ghi nhận thực tế, hầu hết cơ sở kinh doanh trên các tuyến phố lớn chấp hành khá nghiêm túc quy định phòng, chống dịch Covid-19 sau khi mở cửa trở lại. Tuy nhiên, vẫn còn lác đác một số cửa hàng buôn bán, kinh doanh, chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, trong khu dân cư, còn lơi là, chủ quan. Chủ một cửa hàng bán gạo trên phố Trần Cung, quận Bắc Từ Liêm chia sẻ: "Cửa hàng có dán mã QR code yêu cầu khai báo y tế nhưng nhiều người mua hàng không khai báo".
Đặc biệt, tình trạng vi phạm quy định quét mã QR diễn ra khá phổ biến tại các chợ truyền thống, dân sinh trên địa bàn TP. Ghi nhận tại chợ dân sinh trên phố Chùa Láng, phường Láng Thượng (quận Đống Đa), khu vực cổng ra vào chợ không dán mã QR và thiếu bóng dáng của lực lượng bảo vệ. Trong khu vực buôn bán, chỉ đếm trên đầu ngón tay ki ốt, quầy hàng dán mã QR code và yêu cầu khách hàng quét mã. Đáng nói, mặc dù quầy hàng có trang bị căng nilon để hạn chế tiếp xúc giữa người bán và người mua nhưng vì bất tiện nên nhiều tiểu thương đã vén lên. Chị Đỗ Thị Cúc, hàng ngày buôn bán rau, củ, quả tại chợ nhưng chưa khi nào quét mã QR khi vào chợ. Lý giải về việc này, chị Cúc cho rằng do gia đình chị đang ở “vùng xanh” nên không phải quét mã QR ở nơi công cộng và quầy hàng cũng không dán mã QR.

Tình trạng người mua phớt lờ quy định quét mã QR cũng diễn ra tại chợ Hà Đông. Các cổng ra vào chợ đã được Ban Quản lý chợ dán mã QR kèm thông báo yêu cầu quét mã trước khi vào tuy nhiên chỉ khi lực lượng bảo vệ trực chốt nhắc nhở thì người dân thực hiện khá nghiêm túc. Nhưng khi không có lực lượng bảo vệ nhắc nhở thì người dân ra vào tự do. Giải thích lý do “quên” quét mã QR khi vào chợ, chị Phạm Thị Dung ở Văn Quán, Hà Đông biện minh: “Nhà tôi gần đây, tôi chỉ tạt qua chợ một lúc rồi về nên không mang theo điện thoại”.
Bên cạnh việc lơi là trong việc chấp hành quy định quét mã QR, nhiều hàng quán tại chợ Hà Đông cũng không đảm bảo thực hiện giãn cách. Vào những giờ cao điểm, người dân chen chúc nhau mua hàng, thậm chí để tiện trò chuyện, nhiều người đeo khẩu trang theo hình thức chống đối.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại chợ Thành Công (quận Ba Đình). Tại khu vực cổng vào có nhân viên của Ban Quản lý chợ túc trực nhắc nhở, hướng dẫn, yêu cầu tiểu thương, người dân ra vào chợ khai báo y tế QR. Mã QR được dán rõ ràng tại cổng, bảo đảm dễ nhìn, thuận tiện cho người dân quét mã khi vào chợ. Phần lớn người dân ra vào chợ đều chấp hành nghiêm túc việc thực hiện quét mã QR code. Với những người không sử dụng điện thoại thông minh đều thực hiện khai báo y tế bằng bản giấy với sự hướng dân của nhân viên Ban Quản lý chợ. Tuy nhiên, ở khu vực cổng ra của chợ, do thiếu bóng dáng lực lượng bảo vệ nên nhiều người vẫn tự do ra vào.
 Người dân khai báo y tế thông qua mã QR tại một cửa hàng ở phường Thành Công (quận Ba Đình). Ảnh: Ánh Ngọc
Cần chế tài xử lý để răn đe
Giám đốc Ban Quản lý chợ đầu mối Minh Khai Hoàng Tiến Sỹ cho biết, hiện nay chợ có khoảng 500 tiểu thương buôn bán, trung bình mỗi ngày có hàng ngàn lượt người ra vào chợ. Để thực hiện quét mã QR, Ban Quản lý đã dán mã và thông báo ở khu vực cổng ra vào, tuy nhiên với lực lượng bảo vệ mỏng nên vào những lúc cao điểm, việc quét mã xảy ra tình trạng ùn ứ ở cổng chợ. Đặc biệt, hoạt động buôn bán diễn ra ban đêm nên một số người cố tình lợi dụng sơ hở không quét mã để vào chợ. Theo ông Sỹ, để việc quét mã QR vào nề nếp, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền nhắc nhở, còn cần thêm chế tài xử lý để tạo sức răn đe.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, chủ động ngăn chặn nguy cơ bùng phát và lây lan dịch Covid-19, Sở Công Thương đã có văn bản yêu cầu các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đăng ký trở thành điểm kiểm dịch và được cấp một mã QR, dán mã QR ở vị trí dễ nhìn nhất để người dân quét mã. Việc quét mã QR được thực hiện thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh.
“Chợ là nơi tập trung đông người, nguy cơ bùng dịch cao nên Sở rất chú trọng việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND TP. Việc ứng dụng công nghệ trong khai báo y tế để kiểm soát dịch tễ tại các chợ dân sinh, chợ truyền thống là giải pháp cần thiết để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ kép vừa duy trì nhịp kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, vừa bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới” - bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Trong kết luận cuộc giao ban trực tuyến giữa Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 TP với Sở chỉ huy các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn vào ngày 22/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã phải triển khai nghiêm túc, tăng cường giám sát, hậu kiểm, xử lý các trường hợp vi phạm; nhất là tại các trung tâm thương mại, cửa hàng, dịch vụ trong trung tâm thương mại chỉ được hoạt động theo đúng danh mục tại Chỉ thị và bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch, phải có quét mã QR. Đối với trường hợp các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ… trên địa bàn quản lý không thực hiện tạo mã QR địa điểm, đã liên hệ nhắc nhở quá 3 lần vẫn không thực hiện thì phối hợp với chính quyền địa phương yêu cầu tạm dừng hoạt động cho đến khi tạo xong QR địa điểm và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

"Một thống kê từ việc điều tra các trường hợp tiếp xúc với F0, sau đó bị nhiễm bệnh, 89% là những người thân quen, dễ tìm nhưng 11% còn lại là những trường hợp vãng lai gặp, tiếp xúc ngoài cộng đồng mà không biết đó là ai. Nơi lây nhiễm của 11% này là tại các nơi công cộng, công sở, nhà máy, do vậy, hệ thống quét mã QR sẽ mang tính quyết định để tìm ra 11% này. Với mã QR code, khi cần truy vết , mọi việc sẽ đơn giản hơn. Hệ thống sẽ tự động tìm những nơi F0 đã đến, những người cũng đến cùng thời điểm với F0 tại địa điểm đó. Như vậy, việc truy vết tính bằng phút, thay vì phải đưa lên báo để tìm người đến các nơi F0 xuất hiện, vừa tốn thời gian và hiệu quả không cao, dẫn đến bỏ lọt ca nhiễm." - CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng.