Quốc gia NATO cảnh báo sốc về kịch bản phương Tây đưa quân đến Ukraine

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Pháp LCI hôm 2/5, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto chỉ trích phát ngôn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về lựa chọn điều động quân đội tới Ukraine.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Hungary nói rằng phát ngôn của Tổng thống Pháp khiến tình hình leo thang căng thẳng.
Ông Szijjarto nhấn mạnh: "Nếu một thành viên NATO triển khai quân trên bộ (ở Ukraine), đó sẽ là một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga và sau đó sẽ là Thế chiến III".
Ngoại trưởng Szijjarto cũng chỉ trích ý tưởng của Tổng thống Macron cho rằng vũ khí hạt nhân của Pháp có thể trở thành một phần của “phòng vệ châu Âu đáng tin cậy”.
"Trong thời bình sẽ khác, nhưng trong thời chiến, những tuyên bố như vậy có thể bị diễn giải sai và gây ra hậu quả nghiêm trọng" - ông Szijjarto cho hay, đồng thời cảnh báo rằng, nếu tình hình leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu, "mọi chuyện sẽ kết thúc đối với tất cả mọi người".
Phát biểu với đài truyền hình Hungary M1 cùng ngày, Ngoại trưởng Szijjarto cũng bác bỏ kế hoạch do Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đưa ra về việc hỗ trợ 100 tỷ euro cho Ukraine trong vòng 5 năm.
"Trong quá trình đàm phán vào những tuần tới, chúng tôi sẽ đấu tranh để Hungary có thể tránh xa kế hoạch điên rồ này" - ông Szijjarto nêu rõ.
Hungary luôn phản đối sự tham gia ngày càng tăng của cả NATO và Liên minh châu Âu (EU) vào xung đột Ukraine, cũng như việc hỗ trợ Kiev về mặt quân sự, bao gồm cả việc gửi vũ khí hoặc huấn luyện quân đội Ukraine.
Những cảnh báo mới nhất được Ngoại trưởng Hungary đưa ra sau khi Tổng thống Pháp Macron trong tuần này tiếp tục tuyên bố để ngỏ phương án triển khai lực lượng quân sự tại Ukraine.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với Economist hôm 2/5, Tổng thống Pháp nêu ra hai điều kiện để đưa quân tới Ukraine: yêu cầu của Kiev và việc Nga đột phá trên tiền tuyến.

“Trong trường hợp Nga chọc thủng chiến tuyến của Ukraine và nếu có đề nghị từ phía Ukraine, khi đó chúng tôi cần cân nhắc (đưa quân vào Ukraine). Tôi có mục tiêu chiến lược rõ ràng: Nga không thể thắng ở Ukraine. Nếu Nga thắng ở Ukraine, sẽ không có an ninh ở châu Âu " - ông Macron tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với The Economist.
Người đứng đầu Điện Elysee nhấn mạnh những tuyên bố về triển khai binh sĩ đến Ukraine là "hồi chuông cảnh tỉnh chiến lược" với các lãnh đạo phương Tây, nhằm đối phó với nguy cơ Nga tiến xa hơn nếu đạt được mục tiêu chiến dịch ở Ukraine.
Tổng thống Macron từng gây tranh cãi từ hồi tháng 2 vừa qua khi nói rằng phương Tây không loại trừ khả năng đưa quân đến Ukraine và sẽ làm mọi việc có thể để ngăn chặn Nga giành chiến thắng ở Ukraine.
Tuyên bố trên được ông Macron đưa ra sau cuộc họp của khoảng 20 nhà lãnh đạo phương Tây nhằm thảo luận phương án hỗ trợ thêm cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Quan điểm của ông Macron nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo một số nước. Tuy nhiên, các đồng minh phương Tây, trong đó có Mỹ, Đức, Slovakia, Ba Lan khẳng định không có kế hoạch đưa quân đến Ukraine.
Trong một diễn biến liên quan, ông Florian Philippot, lãnh đạo đảng Yêu nước (Les Patriotes) tại Pháp đã đề nghị Tổng thống Macron từ bỏ kế hoạch đưa quân tới Ukraine.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh David Cameron nói với Sky News rằng việc NATO gửi quân đội đến Ukraine có thể dẫn đến tình hình leo thang nguy hiểm, và không cần thiết phải thực hiện hành động này.
Ông Cameron cho biết: "Theo quan điểm của tôi, NATO không nên triển khai quân đội tại Ukraine vì điều này sẽ làm leo thang cuộc xung đột hiện tại. Việc này cũng không cần thiết khi NATO đã huấn luyện cho gần 60.000 binh sĩ Ukraine”.
Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Latvia Baiba Braze ngày 3/5 khẳng định các nước EU chưa đưa ra bất cứ quyết định nào về việc gửi quân đến Ukraine tác chiến.
"Tôi chưa thấy bất kỳ quyết định chung nào ở cấp quốc gia cũng như của EU về việc gửi quân đội hoặc cử phi công đến tham chiến tại Ukraine. Các cuộc thảo luận diễn ra mọi lúc, nhưng chúng ta chỉ có thể nói chuyện khi đã đưa ra quyết định" - Ngoại trưởng Braze cho biết khi trả lời báo European Pravda của Ukraine hôm .
Về phần mình, Điện Kremlin cho rằng phát ngôn mới nhất của Tổng thống Pháp Macron "rất nguy hiểm". "Đây là sự leo thang căng thẳng trực tiếp xung quanh cuộc xung đột Ukraine, có khả năng gây ra mối đe dọa đối với an ninh châu Âu, cũng như đối với toàn bộ cấu trúc an ninh châu Âu" - người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói hôm 3/5.

Hai “ông lớn” NATO không ủng hộ việc kết nạp Ukraine
Kinhtedothi - Truyền thông Mỹ đưa tin Washington và Berlin được cho là phản đối việc mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington vào tháng 7 tới.

Moscow cảnh báo "sắc lạnh" về kịch bản NATO đưa quân đến Ukraine
Kinhtedothi - Quan chức cấp cao của Nga cảnh báo nguy cơ xung đột vũ trang trực tiếp giữa NATO và Moscow nếu liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đưa quân tới Ukraine.

Tổng thống Pháp kêu gọi Trung Quốc thiết kế một “thỏa thuận đình chiến Olympic”
Kinhtedothi - Tổng thống Pháp đã kêu gọi đình chỉ các hoạt động thù địch trên toàn cầu trong Thế vận hội Olympic 2024, dự kiến vào tháng 7-8 tới tại Paris, đặc biệt đề cập đến xung đột Ukraine và cuộc chiến ở Gaza.