Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc gia Trung Á sẽ thay thế Nga tại thị trường khí đốt EU?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Theo tờ Oilprice, chính quyền Turkmenistan tuyên bố sẵn sàng xây dựng một đường ống dẫn khí đốt xuyên biển Caspi, từ đó có thể tăng cường nguồn cung cấp khí tự nhiên cho Liên minh châu Âu.

Một sự thay đổi lớn đang diễn ra đối với hoạt động xuất khẩu năng lượng ở lưu vực Caspi. Quên Mới đây, Turkmenistan đã báo hiệu sẵn sàng phát triển một đường ống xuyên Caspi có khả năng tăng cường cung cấp khí đốt tự nhiên cho Liên minh châu Âu (EU).

Giới phân tích tin rằng quốc gia Trung Á này có quá đủ trữ lượng để xuất khẩu một lượng lớn khí đốt đến cả phương Đông và phương Tây. Ảnh: Oilprice
Giới phân tích tin rằng quốc gia Trung Á này có quá đủ trữ lượng để xuất khẩu một lượng lớn khí đốt đến cả phương Đông và phương Tây. Ảnh: Oilprice

Kế hoạch chuyển hướng xuất khẩu năng lượng này dự kiến ​​sẽ không ảnh hưởng đến khả năng của Turkmenistan trong việc thực hiện các cam kết xuất khẩu khí đốt hiện tại sang Trung Quốc.

Theo tờ Oilprice, giới phân tích tin rằng quốc gia Trung Á này có quá đủ trữ lượng để xuất khẩu một lượng lớn khí đốt đến cả châu Á và châu Âu.

Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng đường ống khí đốt mới của Turkmenistan có khả năng ảnh hưởng tới thị phần xuất khẩu khí đốt của Nga.

Chính phủ Turkmenistan trước đây chưa nêu quan điểm về việc ủng hộ kế hoạch xây dựng đường ống xuyên Caspi, nhưng vào cuối tháng 7 vừa qua, các quan chức Turkmenistan đã "vượt rào".

Trong một tuyên bố do Bộ Ngoại giao Turkmenistan đưa ra, chính quyền Ashgabat đã gửi một tín hiệu rõ ràng về sự ủng hộ đối với một đường ống xuyên Caspi.

Cụ thể, Bộ Ngoại giao Turkmenistan thông báo: “Turkmenistan cam kết thực hiện chiến lược đa dạng hóa dòng chảy năng lượng, bày tỏ sự sẵn sàng tiếp tục hợp tác với các đối tác trong việc thực hiện dự án đường ống xuyên Caspi".

Bộ này nói thêm rằng họ "tin chắc rằng không có yếu tố chính trị, kinh tế, tài chính nào cản trở việc xây dựng" đường ống xuyên Caspi và Công ước 2018 về Tình trạng Pháp lý của Biển Caspi cung cấp cơ sở pháp lý đầy đủ cho một dự án như vậy.

"Đường ống xuyên Caspi là một dự án hoàn toàn thực tế, có khả năng đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cho khu vực châu Á và châu Âu”- tuyên bố của Bộ Ngoại giao Turkmenistan nêu rõ.

Vài ngày sau tuyên bố trên, một phái viên của Turkmenistan đã gặp người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, bày tỏ sự sẵn sàng của Turkmenistan trong việc "phát triển sự hợp tác hiệu quả giữa Turkmenistan và EU".

Theo các chuyên gia năng lượng, nếu đường ống khí đốt xuyên biển Caspi được xây dựng, Turkmenistan có thể sẽ giành được một số thị trường khí đốt của Nga tại châu Âu, hoặc thay thế xuất khẩu khí đốt của Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga hiện cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ. Các dự án vận chuyển khí đốt xuyên Caspi trước đây đã đặt mục tiêu cung cấp 32 tỷ mét khối mỗi năm. Bất kỳ sáng kiến ​​xây dựng mới nào ban đầu đều có thể nhắm đến mục tiêu xuất khẩu đó.

Bên cạnh đó, nhiên liệu từ Turkmenistan có thể giúp Azerbaijan giảm gánh nặng cung cấp nguyên liệu thô cho EU, bởi vì Baku không có đủ sản lượng của riêng mình để thực hiện nghĩa vụ bơm tới 20 tỷ mét khối sang châu Âu.

Trong bối cảnh các nước EU đang rất cần khí đốt để bù đắp nguồn cung từ Nga sụt giảm, giới chuyên gia năng lượng tin rằng ý tưởng của Turkmenistan có thể giúp ích trong vấn đề này. Đương nhiên phương Tây rất hoan nghênh kế hoạch của Ashgabat.

Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn hoài nghi về khả năng Turkmenistan sớm hiện thực hóa ý tưởng xây dựng đường ống khí đốt xuyên biển Caspi.

Giới phân tích đang đặt ra câu hỏi rằng, ngay cả khi được chính quyền Ashgabat “bật đèn xanh”, liệu dự án tiêu tốn hàng tỷ USD đầu tư có sớm tìm được nhà đầu tư trong tương lai hay không?

Trước đó, trong bài phát biểu hồi tháng 5/2023, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev xác nhận rằng Baku sẵn sàng vận chuyển khí đốt qua đường ống của Turkmenistan, nhưng sẽ không giúp tài trợ cho bất kỳ dự án xây dựng đường ống năng lượng của Ashgabat.

Theo Oilprice, nhà đầu tư tiềm năng cho kế hoạch đầy tham vọng của  Turkmenistan có thể là tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Tập đoàn này đã hoạt động trong lĩnh vực khai thác, tinh chế và kinh doanh hydrocarbon của Turkmenistan trong 15 năm, có tiềm lực tài chính và đang muốn đẩy mạnh việc thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài.