TS Phạm Sỹ Liêm - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng |
Lâu nay, người ta vẫn nghe nói chuyện xin - cho trong cấp phép xây dựng. Bộ Xây dựng có lẽ cũng đã nhìn thấy và thấu hiểu chuyện quy định cứ quy định còn vi phạm vẫn cứ vi phạm. Số liệu tại trả lời các đại biểu của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Pham Hồng Hà cho thấy, từ tháng 1 – 9/2018 có đến hơn 10.800 công trình vi phạm. Trong đó, không phép là hơn 3.000 công trình, sai phép là hơn 5.000 và các sai phạm khác là 2.000. Về thực tế này, Bộ Xây dựng cho rằng một phần do sự lỏng lẻo của của chính quyền địa phương. Tôi đặt câu hỏi ngược lại, nếu vấn đề ở cơ sở quá lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm, Bộ đã làm gì, đã phản ánh với Thủ tướng chưa?.
Từ phía cơ quan cấp phép xây dựng cũng còn nhiều bất cập dẫn tới vô lý. Người cấp phép đôi khi cũng không đưa ra được cái lý để người dân nể phục. Tại sao tòa nhà chỉ được xây 12 tầng mà 13, 15 tầng vẫn lọt lưới? Các vị trí đặc biệt, theo quy hoạch kiến trúc đô thị không nói làm gì nhưng cùng khu phố chỉ được tối đa 5 tầng mà có nhà “nhảy” lên 8 tầng là lý do làm sao?. Gần đây nhất, tình trạng xây dựng trái phép vụ đất rừng Sóc Sơn cho thấy, ngày càng nhiều công trình xây trái phép một cách có chủ ý. Nơi thì làm nghiêm, buộc tháo dỡ phần sai phạm. Nơi thì hành xử như kiểu dung túng bao che, khiến người dân hoài nghi có sự móc ngoặc giữa người vi phạm với cán bộ quản lý, thực thi nhiệm vụ dẫn đến hệ lụy giảm niềm tin vào bộ máy công quyền. Điển hình những vụ vi phạm lặt vặt bị cưỡng chế, buộc tháo dỡ trong khi hàng loạt công trình xây dựng trái phép với quy mô lớn lại được xử lý phạt cho tồn tại.
Về hiệu ứng dư luận, rõ ràng cách xử lý mang tính "thỏa hiệp" như trên sẽ tạo tiền lệ luật vô nguyên tắc. Để có thể tạo sức răn đe, trách nhiệm quản lý ngành dọc của Bộ Xây dựng rất quan trọng. Phải nghiên cứu và tham mưu các quy định về luật như trường hợp nào được nộp phạt, trường hợp nào sẽ bị tháo dỡ thậm chí là thu hồi để xung công. Trường hợp xây nhà cấp bốn trên đất trái phép hoặc cố ý "đội tầng" hoàn toàn có thể cho tháo dỡ. Phải chia ra các trường hợp cụ thể, chứ chung chung rồi “bôi trơn”, chẳng còn giá trị răn đe được ai. Luật vướng phải có đề xuất báo cáo Chính phủ hướng tháo gỡ, thay vì than thở “luật chưa rõ ràng” (?!)
Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam |
Hiện tượng đáng lo ngại hiện nay là việc triển khai các nhiệm vụ sau khi quy hoạch chung được phê duyệt hết sức trì trệ không đáp ứng được yêu cầu quản lý, cấp phép, triển khai dự án. Điển hình là "Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050" đã được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt ngày 26/7/2011. Hiện, nhiều quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết chưa được phê duyệt. Nếu quy hoạch chi tiết được duyệt, quy chế này được ban hành sớm thì sẽ giảm rất nhiều thời gian thỏa thuận quy hoạch tránh được cơ chế xin - cho dự án nhà cao tầng. Sẽ không có chuyện tranh luận nhà số 8B Lê Trực cấp phép cao 18 tầng, chiều cao 53 m có đúng quy hoạch và quy chế quy hoạch, kiến trúc khu nội đô lịch sử hay không?.
Ngoài ra, các vấn đề tranh chấp chung cư cũng cần Bộ Xây dựng có động thái dẹp loạn xung đột ngày càng có dấu hiệu cực đoan. Đơn cử như, cộng đồng cư dân Khu trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở cao cấp Hapulico (số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân) có gửi đơn kiến nghị về văn bản ‘cá biệt’ cho thành lập ban quản trị chung cư của Bộ Xây dựng bằng việc lấy ý kiến bằng văn bản của tất cả chủ sở hữu. Tuy nhiên, cư dân ở đây phản biện, có hộ không đồng ý với cách làm của chủ đầu tư, không đồng ý với tư cách của các thành viên ban quản trị. Đây mà mới là điều tiên quyết để những cái gọi là “tùy nghi” có được áp dụng trong trường hợp này hay không?. Bộ Xây dựng phải sớm đăng đàn trao đổi cụ thể với dân, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội |
Cụm từ “lịch sử để lại” đang có xu hướng được sử dụng như một lý do bào chữa cho những bất cập cố hữu đã và đang tồn tại. Về một góc độ nhất định, điều đó chưa hẳn không sai. Tuy nhiên, nó nên được xem như một nguyên nhân và một thực trạng cần giải quyết chứ không phải bị đem ra như một cái cớ để phủ nhận các vi phạm sai phạm. Thực tế, khi phê duyệt các dự án xây dựng có quy mô lớn, thời hạn thực hiện khá dài. Do đó, trường hợp dự án có vi phạm, sai phạm phải xem xét từ khi các dự án ra đời cho đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng.. Mỗi một giai đoạn có định hướng chế tài quản lý khác nhau. Ví dụ, Luật xây dựng 2013 đã có nhưng đến năm 2014 lại điều chỉnh. Muốn xử lý sai phạm phải đối chiếu với thể chế của từng giai đoạn mới khắc phục được tận ngọn. Có những vấn đề năm 2013 người ta cho phép, nhưng đến năm 2014 lại “tuýt còi”, đương nhiên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đương nhiệm phải có trách nhiệm theo sát và xử lý. Không thể bỏ qua quản lý theo giai đoạn, đổ lỗi do “lịch sử để lại”; hoặc lấy lý do “tôi không ký quyết định” để đùn đẩy trách nhiệm. Đáng chú ý, sang năm 2019 Luật Quy hoạch nếu có hiệu lực sẽ phủ định một số điều về luật xây dựng, các Bộ, ban ngành trực thuộc theo đó cần linh hoạt để xoay chuyển xử lý các tồn động theo tình hình. Còn nếu không, giống như cụm từ “đúng quy trình”, “lịch sử để lại” cũng sẽ chỉ là một cách thức được sử dụng để đá trách nhiệm cho cơ chế mà thôi.