Quốc hội đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu: Bổ sung thêm một ngày nghỉ dịp Quốc khánh

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 với nhiều quy định mới.

Theo đó, về tuổi nghỉ hưu, Bộ Luật quy định, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Theo đó, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định.
 Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ảnh: Duy Linh 
Trước đó, UBTV Quốc hội đã chỉ đạo xin ý kiến đại biểu (ĐB) Quốc hội, kết quả có 371 ĐB Quốc hội tham gia ý kiến về nội dung này thì có 280 đại biểu Quốc hội đồng ý phương án này.
Về thời giờ làm việc bình thường, trước mắt giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường như quy định của Bộ luật hiện hành” và “có lộ trình điều chỉnh giảm giờ làm việc bình thường vào thời điểm thích hợp”. Quốc hội cũng giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất giảm giờ làm việc bình thường thấp hơn 48 giờ/tuần; đồng thời, giữ quy định “Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động”.
Về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa, Quốc hội đồng ý giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ luật hiện hành, nhưng cần ghi rõ thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.
Về thời gian nghỉ lễ, tết, Quốc hội quyết nghị bổ sung thêm một ngày nghỉ trong năm vào ngày liền kề với Ngày Quốc khánh 2/9. Cụ thể, khoản đ, Điều 112, Bộ Luật quy định, ngày Quốc khánh, người lao động được nghỉ 2 ngày là ngày 2/9 dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau.
Sau khi Bộ Luật Lao động (sửa đổi) được thông qua, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn đối với việc xây dựng quan hệ lao động và phát triển lực lượng lao động. Bộ Luật có nhiều điểm mới, đặc biệt là có tới hơn 10 điểm mới đối với người lao động và gần 10 điểm mới với tổ chức người đại diện.
Theo Bộ trưởng, có những vấn đề có tính chất lịch sử, nhưng có những nội dung có tác động vài chục năm gần đây. Chẳng hạn vấn đề liên quan tổ chức đại diện tại cơ sở, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình tăng chậm nhằm thực hiện đa mục tiêu, hay phát triển quan hệ lao động trong điều kiện kinh tế thị trường. Những vấn đề liên quan đến tiền lương, thương lượng hay phát triển cũng như tạo điều kiện cho thương lượng tập thể trong thời gian tới.
"Mặt khác, chúng ta đưa vào những vấn đề đã cam kết trong các công ước quốc tế hay những hiệp định thương mại trong sân chơi chung. Chúng ta luật hóa để phù hợp với vận hành chung của quốc tế nhưng cũng phù hợp với Việt Nam"- Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh.
Về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu có tác động ra sao, theo Bộ trưởng, điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu là quyết sách rất lớn của Đảng, Nhà nước, cũng là xu hướng chung của thế giới nhưng cũng chưa bao giờ là dễ với bất cứ quốc gia nào vì nó tác động rất lớn đến hàng chục triệu người lao động. Trong mỗi hoàn cảnh, đối tượng cụ thể phải có cách ứng xử khác nhau.
Chủ trương chung và Quốc hội kỳ này thông qua điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình tăng dần, bắt đầu từ 1/1/2021. “Đây là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với người lao động trong điều kiện bình thường, trong hoàn cảnh công việc và sức khỏe bình thường. Với người lao động nặng nhọc, độc hại, ở vùng đặc biệt khó khăn hay trong điều kiện đặc biệt độc hại, nặng nhọc ta lại có lộ trình điều chỉnh hoàn toàn khác.
Những người này được quyền nghỉ hưu sớm hơn. Chúng ta có 1.810 ngành, nghề, lĩnh vực, công việc nặng nhọc, độc hại và vùng khó khăn thì khoảng 3 triệu người lao động thuộc trường hợp này chắc chắn có thể được nghỉ hưu sớm hơn 5 năm và thậm chí sớm hơn” - Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nói.