Theo RT, Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) cho biết Quốc hội nước này đang phải đối mặt với các vấn đề “trong cả vai trò lập pháp và giám sát” về kế hoạch chuyển giao hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine.
CRS cho biết, việc đào tạo lực lượng vận hành, sửa chữa cho hệ thống Patriot mất khoảng 53 tuần, đồng thời nhấn mạnh rằng “còn rất nhiều việc phải làm trước khi Ukraine nhận được hệ thống Patriot”.
CRS kêu gọi các nhà lập pháp kiểm tra nguồn gốc chính xác của hệ thống Patriot cung cấp cho Kiev. Theo CRS, "hệ thống Patriot và các thiết bị đánh chặn liên quan được gửi đến Ukraine có thể được lấy từ các đơn vị và kho dự trữ quân đội hiện có của Mỹ”.
CRS cho rằng, nếu Mỹ quyết định chuyển hệ thống Patriot đang được biên chế cho lực lượng như Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ hoặc Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để chuyển cho Kiev có thể tạo ra rủi ro tiềm tàng tại những nơi đó. Trong khi đó, theo CRS, việc cung cấp Patriot từ nước Mỹ “có thể cản trở chu kỳ đào tạo hoặc hiện đại hóa vũ khí của nước này".
Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về “mức giá khổng lồ” của các hệ thống Patriot và tên lửa đánh chặn.
Theo dữ liệu hiện có, “một tổ hợp Patriot mới được sản xuất có giá khoảng 1,1 tỷ USD, bao gồm khoảng 400 triệu USD cho bệ phóng và khoảng 690 triệu USD cho tên lửa".
Ngày 21/12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, theo lời mời của nhà lãnh đạo Mỹ Joe Biden, đã đến thăm Washington. Mỹ thông báo cung cấp gói hỗ trợ quân sự mới cho Kiev với tổng trị giá 1,85 tỷ USD, bao gồm tổ hợp phòng không Patriot.
Tờ Politico tuần trước đưa tin, Mỹ chỉ bàn giao hệ thống tên lửa phòng không Patriot cho Ukraine sau khi quân đội nước này sẵn sàng vận hành được loại vũ khí hiện đại này. Theo nguồn tin trên, Washington cũng có thể huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa này tại Mỹ. Một hệ thống tên lửa phòng không MIM-104 Patriot yêu cầu hàng chục nhân viên có trình độ để vận hành, trong khi khóa đào tạo vận hành kéo dài hàng tháng.
Nhà Trắng trước đó nói rằng Mỹ sẽ huấn luyện các binh sĩ Ukraine sử dụng hệ thống Patriot tại một “nước thứ ba”.
Về phần mình, Moscow khẳng định việc Washington cung cấp dàn tên lửa đất đối không tiên tiến như vậy sẽ là bước đi mang tính khiêu khích, đồng thời tuyên bố hệ thống này sẽ là mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga.
Trước đó hôm 25/12, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo Nga sẽ có thể phá hủy các hệ thống phòng không Patriot, nếu Washington chuyển giao chúng cho Kiev. Ông cũng cho hay "Patriot là một hệ thống khá cũ" và không hoạt động giống như S-300 của Nga.