Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội Mỹ: Huynh đệ tương tàn

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên danh nghĩa, ngày 3/1 vừa qua là ngày trở lại nắm quyền kiểm soát Hạ viện của Đảng Cộng hòa Mỹ.

Toàn cảnh phiên họp Hạ viện Mỹ ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Toàn cảnh phiên họp Hạ viện Mỹ ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ hồi tháng 11 năm ngoái, Đảng Cộng hòa giành được 222 ghế và Đảng Dân chủ 212 ghế dân biểu ở hạ viện. Đa số ở Hạ viện giúp cho phe Đảng Cộng hòa có thể gây khó khăn lớn cho Tổng thống đương nhiệm Joe Biden thuộc Đảng Dân chủ trong nửa nhiệm kỳ cầm quyền còn lại. Nhưng để làm được việc này, phe Đảng Cộng hòa trong Hạ viện Mỹ phải thật sự đoàn kết thống nhất nội bộ bởi số 222 ghế dân biểu chỉ nhiều hơn đa số tối thiểu có 4 ghế dân biểu.

Không bi hài sao được khi ngay ở dịp đầu tiên có thể và cần thiết phải thể hiện công khai sự đoàn kết thống nhất nội bộ kia, phe Đảng Cộng hòa trong Hạ viện lại bộc lộ rõ nét như chưa từng thấy lâu nay sự phân bè chia phái và đấu tranh quyền lực nội bộ. Ứng cử viên chính Kevin McCarthy cho cương vị Chủ tịch Hạ viện - vị trí quyền lực thứ 3 ở Mỹ sau Tổng thống và Phó Tổng thống - không đắc cử sau 3 lần bỏ phiếu, không giành về đủ ít nhất 218 phiếu bầu ủng hộ từ phe Đảng Cộng hòa trong khi tất cả các dân biểu thuộc phe Đảng Dân chủ đều bỏ phiếu chống.

Kết quả bỏ phiếu này là một thảm họa chính trị mới cho phe Đảng Cộng hòa ở Mỹ và việc bầu Chủ tịch Hạ viện càng kéo dài thì thảm họa này sẽ càng lớn, càng thêm tai hại đối với phe Đảng Cộng hòa. Nó phản ánh sự bất đồng quan điểm và xung khắc mục tiêu rất trầm trọng giữa cánh ôn hòa và phía theo cựu Tổng thống Donald Trump trong nội bộ phe Đảng Cộng hòa ở Mỹ.

Nó chẳng khác gì một cuộc huynh đệ tương tàn không khoan nhượng trong nội bộ phe này. Hệ lụy trực tiếp là phía Đảng Dân chủ tuy chỉ là thiểu số nhưng lại mạnh nhất trong Hạ viện. Nếu cứ tiếp tục như thế này thì phe Đảng Cộng hòa không thể gây khó được đáng kể cho chuyện cầm quyền của ông Biden và khó có thể giành lại được Nhà Trắng trong cuộc bầu cử Tổng thống tới ở nước Mỹ vào năm 2024.