Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Thị Bích Nhiệm phát biểu ý kiến. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Không nên quy định cứng các trường hợp hòa giải
Thảo luận tại Hội trường dự thảo Luật Hòa giải cơ sở nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, cần quy định rõ ràng những trường hợp cần hòa giải là những trường hợp không phải xử lý hình sự, hành chính, nhưng cũng không nên quy định "cứng". ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cho rằng: Đối với các trường hợp tội phạm, hành vi làm nhục người khác, vô ý làm tổn thương người khác, các hành vi bạo lực gia đình, tội phạm vị thành niên, người có dấu hiệu tâm thần… nên cho phép hòa giải nếu các bên thỏa thuận được. ĐB Nguyễn Thị Thu Hằng (Nam Định) cũng tán thành, những tranh chấp trong cộng đồng cư dân rất đa dạng, các văn bản pháp luật không thể thống kê hết, vì thế đồng ý phạm vi hòa giải ở cơ sở theo hướng loại trừ.
Các ĐBQH cũng cho rằng, hòa giải viên phải gắn với những công việc hết sức vất vả và mất nhiều thời gian, nhưng chi phí bồi dưỡng cho hòa giải viên hiện nay rất thấp. Theo ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định), hiện chi trả tiền bồi dưỡng cho mỗi vụ việc hòa giải thành công chỉ được 20.000 - 30.000 đồng, còn hòa giải không thành công từ 10.000 - 15.000 đồng là quá thấp. Để hòa giải viên yên tâm và nhiệt tình với công việc mình đang làm, địa phương cần tăng kinh phí bồi dưỡng cho hòa giải viên dù hòa giải có thành công hay không.
Dự thảo luật quá sơ sài
Đồng tình nên có Luật Tiếp công dân, nhưng đa số ĐBQH rất không hài lòng với dự thảo được trình Quốc hội, bởi "không khả thi", "bất hợp lý", "quá lủng củng"... Đây có lẽ là Dự thảo Luật khiến các ĐBQH thất vọng nhất từ trước tới nay. ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) thẳng thắn: "Dự thảo rất sơ sài. Trang nào cũng phải sửa. Không điều nào là không phải góp ý. Nhiều khái niệm đưa ra không chuẩn xác...". Theo ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội), mặc dù rất kỳ vọng Dự thảo Luật này, nhưng đọc chỉ thấy ngỡ ngàng về sự bất hợp lý, thiếu đồng bộ từ trên xuống dưới. Nhìn chung, các quy định chưa tạo ra được điểm gì đột phá, khó có thể khắc phục được những hạn chế trong việc tiếp dân hiện nay, chứ chưa nói tới hy vọng làm cho việc tiếp dân bớt hình thức.... ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng: Phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan công quyền khi tiếp công dân. Mọi công dân đều có quyền phát biểu ý kiến mà mình quan tâm, những việc mà mình bị xâm hại, vì thế Luật phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan công quyền khi tiếp dân, trong khi điều này luật chưa rõ nét.
Các ĐBQH cũng chỉ ra những thực trạng bất cập trong việc tiếp dân hiện nay như thái độ thiếu tôn trọng, thiếu đồng cảm với người đi khiếu kiện, tuy nhiên, Dự thảo Luật lại đề cập đến những vấn đề thiếu thực tế. Các ĐB đề xuất, nếu cần thì nên hoãn lại, không vội trình ra Quốc hội.
Thảo luận về Dự thảo Luật Kiểm dịch bảo vệ thực vật, các ĐBQH đồng tình cần phải nâng Pháp lệnh lên thành Luật để góp phần chống thuốc thực vật gây hại, bảo vệ an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng, các quy định trong Dự thảo lại quá sơ sài, có nhiều điều khoản xa lạ và không khả thi trong thực tế. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng: Ngay trong quy định về điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, vẫn chưa có quy định khả thi về phòng chống, mua bán trái phép của những hộ kinh doanh nhỏ lẻ tự do. Thực tế, đây mới là những đối tượng thường xuyên buôn bán những loại thuốc không rõ nguồn gốc và đưa trực tiếp về người dân.
Dự thảo có quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về kiểm dịch bảo vệ thực vật, nhưng lại thiếu sự đồng nhất với các luật hiện hành. Các ĐBQH lấy ví dụ như quy định về quản lý, xử lý chất thải nguy hại. Hiện trong Luật Xây dựng việc này thuộc về Bộ Xây dựng và thực tế cũng phù hợp, nhưng Dự thảo Luật lại không nêu tên Bộ Xây dựng. ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cũng nhấn mạnh: Dự thảo đưa ra đến 8 cơ quan cùng chịu trách nhiệm quản lý, nhưng lại không rõ cơ quan chủ trì làm đầu mối, sẽ dẫn đến sự rối rắm và chồng chéo khi thực hiện. ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) cũng đồng tình với nhận định này và đề xuất: Dự thảo Luật nên quy định rõ Bộ NN&PTNT là cơ quan chủ trì từ T.Ư đến cơ sở, các Bộ khác có liên quan có trách nhiệm phối hợp. ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) lại cho rằng: Dự thảo luật quy định còn mờ nhạt trách nhiệm, quyền hạn của UBND các cấp trong việc phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.