Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội thông qua Luật Đường bộ, chưa quy định về phí giao thông nội đô

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 27/6, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV với đa số đại biểu nhất trí tán thành, Luật Đường bộ đã được thông qua với 6 chương, 86 điều.

Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Luật Đường bộ - Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Luật Đường bộ - Ảnh: Quochoi.vn

Luật Đường bộ quy định các hành vi bị nghiêm cấm gồm: phá hoại kết cấu hạ tầng đường bộ; khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ trái quy định của pháp luật.

Cấm đấu nối trái phép vào đường chính, đường nhánh; tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ. Cấm lấn, chiếm, sử dụng, xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.

Các hành vi lắp đặt, tháo dỡ, di chuyển, điều chỉnh, che khuất báo hiệu đường bộ trái quy định của pháp luật; gắn, treo, lắp vào báo hiệu đường bộ nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của báo hiệu đường bộ hoặc làm sai lệch báo hiệu đường bộ. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ mà không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật hoặc kinh doanh không đúng giấy phép. Lập điểm đón, trả khách, bốc dỡ hàng hóa trái quy định của pháp luật cũng được quy định là hành vi cấm tại Luật này.

Luật cũng quy định cụ thể về việc phân loại, đặt tên, số hiệu đường bộ; quy định quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo, biển thông tin cổ động, tuyên truyền chính trị trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ...

Quang cảnh phiên làm việc sáng 27/6
Quang cảnh phiên làm việc sáng 27/6

Đáng chú ý, Luật quy định trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ không được xây dựng công trình khác, trừ trường hợp công trình phục vụ quốc phòng, an ninh; công trình thông tin, viễn thông, đường dây tải điện, dây dẫn điện, cột viễn thông, trạm thu phát sóng di động, cột điện; công trình cấp năng lượng, cấp nước, thoát nước, trừ nhà máy nước, nhà máy sản xuất năng lượng; công trình thủy lợi, đê, phòng, chống thiên tai, thủy điện; băng tải phục vụ sản xuất, công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, các công trình đặc biệt khác...

Đối với phí sử dụng đường cao tốc, Luật đường bộ quy định, Nhà nước thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên đường cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác, bao gồm: đ­ường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo hình thức đầu tư công; đư­­­­­­ờng cao tốc được đầu tư theo các hình thức khác khi kết thúc hợp đồng, chuyển giao cho Nhà nước.

Cơ quan quản lý đường bộ tổ chức khai thác tài sản nộp số phí thu được vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí; tổ chức nhận nhượng quyền thu phí, nhượng quyền kinh doanh - quản lý nộp số tiền nhận nhượng quyền vào ngân sách Nhà nước; số tiền phí thu được trong thời gian thực hiện hợp đồng chuyển nhượng không phải nộp ngân sách Nhà nước, trừ phần doanh thu phải chia sẻ cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Việc đầu tư trạm dừng nghỉ được thực hiện như sau: trường hợp dự án đường cao tốc được đầu tư theo hình thức đầu tư công, trạm dừng nghỉ được đầu tư cùng với dự án theo hình thức đầu tư công hoặc lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu; đối với dự án đường cao tốc được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, trạm dừng nghỉ được đầu tư xây dựng cùng với dự án;

Đối với công trình trạm dừng nghỉ sẵn có là tài sản công, Nhà nước lựa chọn nhà đầu tư vận hành, khai thác hoặc nâng cấp, mở rộng, cải tạo, hiện đại hóa, vận hành, khai thác theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công hoặc kết hợp thực hiện trong dự án đường bộ cao tốc theo phương thức đối tác công tư.

Trong trường hợp cần thiết, căn cứ nhu cầu sử dụng dịch vụ, tính chất dự án, cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe để phục vụ người tham gia giao thông đường bộ trên đường cao tốc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp

Trước đó, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, đối với các hành vi bị nghiêm cấm (điều 7): có ý kiến đề nghị rà soát quy định của dự thảo Luật để phù hợp và thống nhất với điều 261 của Bộ luật Hình sự về các hành vi cấu thành “tội cản trở giao thông đường bộ”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát quy định của Bộ luật Hình sự và nhận thấy, điều 7 dự thảo Luật Đường bộ và Đđều 9 dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã thể hiện đầy đủ các hành vi cấu thành “tội cản trở giao thông đường bộ” tại điều 261 của Bộ luật Hình sự. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ nội dung này như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ (điều 12), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc quy định cụ thể tỷ lệ đất dành cho đường bộ trong đô thị cần phải phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị; đồng thời phải xem xét trên cơ sở đánh giá toàn diện quỹ đất dành cho các lĩnh vực giao thông khác (đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không).

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Điều này phù hợp với Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/02/2022 của Bộ Chính trị; đồng thời bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp thực tiễn từng giai đoạn phát triển và tính đặc thù của các loại đô thị.