Quốc Oai rốt ráo khơi thông tiêu thụ nhãn

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện đã bước vào vụ nhãn, tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và TP đang thực hiện giãn cách xã hội, nên việc tiêu thụ là bài toán khó với người nông dân. Để tháo gỡ khó khăn, huyện Quốc Oai đang rốt ráo kết nối với Sở Công Thương, DN, siêu thị… triển khai giải pháp tìm đầu ra cho đặc sản của địa phương.

Tiêu thụ bị đứt gãy
Nhãn là cây trồng thế mạnh của huyện Quốc Oai. Hiện toàn huyện có khoảng 315 ha trồng nhãn, tập trung nhiều nhất ở xã Đại Thành với 215 ha, trong đó chủ yếu là nhãn chín muộn. Có 60 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Sản phẩm nhãn chín muộn Đại Thành đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp nhãn hiệu tập thể, logo nhận dạng sản phẩm và chỉ giới địa lý vùng trồng. Chất lượng sản phẩm nhãn Đại Thành đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và Mỹ. 
Năm 2021 được đánh giá là năm được mùa nhãn. Theo đánh giá sơ bộ, tổng sản lượng vụ nhãn này của toàn huyện Quốc Oai khoảng 4.000 tấn. Riêng xã Đại Thành có sản lượng nhãn khoảng trên 3.000 tấn. Hiện nay đã bắt đầu vào vụ thu hoạch, thời gian thu hoạch dự kiến kéo dài hơn 1 tháng, từ đầu tháng 8 đến cuối tháng 9. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và toàn TP thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nên việc tiêu thụ sản phẩm của người dân bị đứt gãy, khiến người dân hoang mang, lo lắng.
 Tổng sản lượng vụ nhãn năm 2021 của huyện Quốc Oai khoảng 4.000 tấn
Mấy ngày nay, ông Trần Văn Nha (thôn Đại Tảo, xã Đại Thành) như ''ngồi trên đống lửa'' vì 2 tấn nhãn của gia đình đã đến lúc thu hoạch, nhưng không có thương lái tới thu mua. Theo chia sẻ của ông Nha, tầm này mọi năm hầu hết các vườn nhãn trong xã đã có thương lái đặt mua và cắt dần đi bán. Nhưng năm nay do giãn cách xã hội, hàng hóa khó lưu thông, nên thời điểm này các vườn nhãn trên địa bàn vẫn “án binh bất động”.
“Nhãn là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Cả năm chăm sóc mong đến lúc thu hoạch nhưng lại không bán được. Nếu không được thu hoạch đúng thời vụ sẽ làm nhãn thối rụng và sản phẩm kém chất lượng” – ông Nha lo lắng.
Theo Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp xã Đại Thành Trần Hữu Khoa, thông thường như mọi năm, nhãn Đại Thành được các thương lái tới tận vườn thu mua rồi vận chuyển đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối trong nội thành. Vào chính vụ, mỗi ngày có hàng chục xe tải đến địa phương lấy hàng. Tuy nhiên hiện nay thực hiện giãn cách xã hội, người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, nên việc tiêu thụ nhãn gặp nhiều khó khăn. Để vận chuyển hàng qua các chốt kiểm soát, thương lái phải có giấy xét nghiệm Covid-19, xin cấp xe luồng xanh. Không chỉ khó tiêu thụ, giá sản phẩm cũng giảm mạnh. Nếu như cùng thời điểm năm trước, nhãn Đại Thành bán được giá từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, thì nay chỉ bán được từ 10.0000 – 20.000 đồng/kg.
Chính quyền rốt ráo vào cuộc
Chủ tịch UBND xã Lý Đình Quang cho biết, ở Đại Thành có 2 dòng nhãn chính, gồm: Nhãn HTM1 (nhãn méo) có thời gian thu hoạch từ đầu tháng 8 tới khoảng 20/8; dòng thứ 2 là HTM2 (nhãn Đông), có thời gian thu hoạch từ cuối tháng 8 tới cuối tháng 9. Do đó, vụ nhãn của địa phương được rải ra trong khoảng 2 tháng, nên không gây sức ép tiêu thụ cùng một thời điểm.
 Huyện Quốc Oai đang rốt ráo triển khai các biện pháp tiêu thụ nhãn
Tuy nhiên, trà nhãn sớm của địa phương được thu hoạch đúng vào khoảng thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội, nên chuỗi tiêu thụ bị đứt gãy, giá sản phẩm bị sụt giảm nhiều so với mọi năm.
Để giúp người trồng nhãn tiêu thụ sản phẩm trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội, xã Đại Thành đã tổ chức họp bàn phương án tiêu thụ với 150 tiểu thương ở địa phương, tổ chức test Covid-19 cho các tiểu thương, đồng thời thông báo tới các hộ trồng nhãn về đầu mối kết nối tiêu thụ trên địa bàn xã. Cùng với đó, xã gửi đề xuất xin cấp phép cho một số xe luồng xanh vào địa bàn thu mua, vận chuyển sản phẩm. Tổng lượng nhãn tiêu thụ được tính tới thời điểm này là 35 tấn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết: Hiện nay huyện sẽ tập trung vào 2 phương án tiêu thụ, đầu tiên là đẩy mạnh tiêu thụ tại chỗ, thông qua việc vận động các xã và các tổ chức đoàn thể của huyện chung tay tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, UBND huyện Quốc Oai đã có văn bản đề nghị Sở Công Thương, Sở NN&PTNT Hà Nội hỗ trợ kết nối với các DN kinh doanh xuất nhập khẩu, DN chế biến, tổ chức, cá nhân tiêu thụ nông sản, trái cây, kết nối tiêu thụ sản phẩm nhãn chín muộn Đại Thành.
Tính tới thời điểm này, Sở Công Thương đã kết nối cho huyện 10 điểm bán hàng lưu động trong nội thành. Để vận chuyển nhãn tới các điểm bán hàng lưu động, huyện đã đứng ra thuê 15 xe tải, đề xuất lên Sở NN&PTNT và Sở GTVT xin cấp luồng xanh. Ngoài ra, huyện cũng tính đến phương án đẩy mạnh bán hàng online, thông qua các sàn thương mại điện tử.