Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quỹ bảo hiểm xã hội kết dư 1,13 triệu tỷ đồng, được sử dụng thế nào?

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chính phủ dự kiến tổng số kết dư đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội đến ngày 31/12/2022 đạt hơn 1,13 triệu tỷ đồng; ước kết dư Quỹ hưu trí và tử tuất chuyển sang năm 2023 là hơn 988,4 nghìn tỷ đồng.

Chính phủ đã có báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2022. Theo đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến hết ngày 31/12/2022 là hơn 16,03 triệu người, tăng hơn 935,3 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021, chiếm gần 34,83% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Chính phủ dự kiến tổng số kết dư đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội đến cuối năm 2022 đạt hơn 1,13 triệu tỷ đồng. Ảnh minh họa: Internet.
Chính phủ dự kiến tổng số kết dư đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội đến cuối năm 2022 đạt hơn 1,13 triệu tỷ đồng. Ảnh minh họa: Internet.

Số tiền thu bảo hiểm xã hội bắt buộc trong năm 2022 là hơn 299,8 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 35,8 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021 (tương đương với mức tăng 13,6%).

Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2022 của người lao động là hơn 5,7 triệu đồng/tháng, tăng 0,55% so với năm 2021.

Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khoảng 1,46 triệu người, tăng hơn 12,98 nghìn người so với năm 2021, tương đương với mức tăng 0,9%, chiếm 3,17% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Số phát sinh tăng của Quỹ hưu trí và tử tuất trong năm 2022 là hơn 343 nghìn tỷ đồng, số phát sinh giảm của quỹ là hơn 240,5 nghìn tỷ đồng; ước kết dư Quỹ hưu trí và tử tuất chuyển sang năm 2023 là hơn 988,4 nghìn tỷ đồng.

Chính phủ dự kiến tổng số kết dư Quỹ bảo hiểm xã hội đến ngày 31/12/2022 đạt hơn 1,13 triệu tỷ đồng (tăng 15,14% so với cùng kỳ năm 2021). Tổng số lãi thu được trong năm 2022 dự kiến là 42,7 nghìn tỷ đồng. Lãi suất bình quân năm 2022 đạt 4,19% thấp hơn lãi suất bình quân của năm 2021 (4,39%).

Quỹ bảo hiểm xã hội được sử dụng để: Trả các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động; đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng lương hưu hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động bị mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; chi phí quản lý bảo hiểm xã hội; trả phí giám định mức suy giảm khả năng lao động theo quy định của pháp luật; đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ.

Bộ LĐTB&XH thông tin, về cơ bản trong giai đoạn 2016 – 2021, quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo được cân đối, đảm bảo cho việc chi trả chế độ cho hàng chục triệu người hưởng các chế độ trong năm.

Số chi quỹ bảo hiểm xã hội tăng dần qua từng năm. Cụ thể, năm 2021, số chi quỹ ốm đau và thai sản là 25.148 tỷ đồng, tăng hơn 22,33% so với số chi trong năm 2016; số chi quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 884 tỷ đồng, tăng gần 60% so với số chi trong năm 2016.

Đáng chú ý, số chi quỹ hưu trí và tử tuất lại tăng nhanh dần qua từng năm. Năm 2021 số chi quỹ hưu trí và tử tuất là 176.850 tỷ đồng, tăng hơn 218% so với số chi trong năm 2016.

Số kết dư quỹ ốm đau và thai sản chưa đảm bảo cân đối quỹ tài chính. Bởi trong giai đoạn 2016 – 2021, số chi quỹ ốm đau và thai sản trong năm cơ bản bằng số thu trong năm, một số năm có số chi vượt số thu (năm 2017, 2019).

Trong khi đó, số chi từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp rất ít so với số thu quỹ, kết dư quỹ trong giai đoạn này rất lớn. Tính đến hết năm 2020, số kết dư quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là hơn 54.000 tỷ đồng, gấp hơn 61 lần số cho quỹ trong năm 2020. Do vậy, trong giai đoạn tiếp theo 2021 – 2025, qũy bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đảm bảo cân đối.

Theo Bộ LĐTB&XH, trong giai đoạn 2016 – 2021, số thu Quỹ hưu trí và tử tuất luôn vượt số chi từ Quỹ. Kết dư quỹ hưu trí và tử tuất tính đến hết năm 2020 là 794.920 tỷ đồng. Về cơ bản đối với số kết dư này thì trong ngắn hạn Quỹ hưu trí và tử tuất đảm bảo đủ cân đối. Tuy nhiên, trong dài hạn cần có những đánh giá cụ thể hơn và kỹ càng hơn, nhất là đối với vấn đề “nợ lương hưu tiềm ẩn” của quỹ hưu trí và tử tuất.