Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm: Không còn cần thiết

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm hiện có số dư 1.000 tỷ đồng, 12 năm chưa chi đồng nào và ít có khả năng phải dùng đến, là con số đang rất được chú ý trong quá trình thảo luận Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Việc có cần thiết duy trì, trích nộp Quỹ này nữa hay không khi nguồn lực gần như chưa được sử dụng tới, những công cụ để bảo vệ người được bảo hiểm cũng có hướng thay đổi.

Người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: XC  
Người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: XC  

Như quy định của Luật hiện hành, Quỹ này được thành lập để bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm trong trường hợp DN bảo hiểm phá sản hoặc mất khả năng thanh toán. Nguồn để lập Quỹ được trích lập theo tỷ lệ phần trăm trên phí bảo hiểm áp dụng đối với tất cả hợp đồng bảo hiểm. Khi tiến hành sửa đổi Luật, Chính phủ đã có báo cáo giải trình về việc dừng trích Quỹ này.

Lý do được đưa ra là trước đây, khi áp dụng mô hình vốn tối thiểu (mức vốn cố định, không gắn quy mô kinh doanh và rủi ro của DN bảo hiểm) và Nhà nước chỉ can thiệp sau khi DN bảo hiểm “có vấn đề” (mất khả năng thanh toán, phá sản), cần phải có cơ chế bảo vệ này. Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay, sau gần 12 năm trích nộp, Quỹ hiện có số dư 1.000 tỷ đồng và chưa chi đồng nào. Bên cạnh đó, Dự Luật đã chuyển từ phương thức can thiệp sau (khi DN bảo hiểm đã mất khả năng thanh toán) sang can thiệp sớm và kết hợp mô hình quản lý trên cơ sở rủi ro.

Đồng thời, như phân tích của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng như các đại biểu trong quá trình thảo luận, cho thấy sự tương đồng giữa Quỹ Dự trữ bắt buộc và Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm, dù cách trích nộp nhau. Quỹ dự trữ bắt buộc là từ trích 5% lợi nhuận sau thuế của DN, do cơ quan bảo hiểm quản lý; Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm hiện là trích 0,3% và tài khoản do Bộ Tài chính quản lý. Mục đích thiết lập hai Quỹ này đều hướng tới bảo đảm trách nhiệm của DN bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm.

Như thấy, rõ ràng việc duy trì đồng thời cả 2 Quỹ với cùng một mục tiêu là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả DN và người tham gia bảo hiểm, vì số tiền trích nộp được tính theo tỷ lệ phần trăm của phí bảo hiểm do bên mua đóng theo hợp đồng.

Mặc dù vẫn có những quan điểm, góc nhìn khác nhau về việc nên hay không nên duy trì Quỹ này; những lo lắng nếu bỏ quỹ, sẽ thiếu công cụ cho Nhà nước can thiệp trong trường hợp DN phá sản gặp khó khăn do bất khả kháng cũng đã được đưa ra. Hoặc nếu trích nộp Quỹ, thay vì tính vào phần của người tham gia bảo hiểm nên trích từ thuế của cơ quan kinh doanh bảo hiểm…

Nhưng trên hết, từ thực tiễn 12 năm Quỹ gần như không được sử dụng, một nguồn lực không nhỏ nằm im tại chỗ, bởi giải thích của chính cơ quan quản lý, mục đích của Quỹ chỉ hỗ trợ cho người bảo hiểm chứ không chi cho việc khác. Thiết nghĩ, âu đó cũng là một sự lãng phí không nhỏ và chính người tham gia bảo hiểm lại phải trích ra một nguồn lực để đưa vào đó.

Bởi thế, bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm là rất cần thiết, tuy nhiên nhìn từ thực tế cũng như hiện đã có những công cụ bảo vệ hiệu quả hơn từ chính việc thay đổi hướng quy định của Luật, việc duy trì Quỹ này rõ ràng không còn cần đến nữa. Song song với đó, việc tính toán, cân nhắc để có những quy định chặt chẽ, khả thi hơn, để bảo đảm được quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, tránh rủi ro và giải quyết được những bất cập thực tiễn đang đặt ra cũng là điều được kỳ vọng vào việc sửa Luật lần này.