Vẫn tồn tại nhiều bất cập
Trong những năm qua, công tác quy hoạch đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm, được triển khai tích cực, sâu rộng trên cơ sở chỉ đạo quyết liệt từ T.Ư đến địa phương. Từ đó, đã tạo căn cứ cho việc kêu gọi đầu tư xây dựng nhiều dự án trong nước, góp phần cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương trong cả nước.
KTS Nguyễn Toàn Thắng - Hội Kiến trúc sư Hà Nội đánh giá, hiện nay, nhiều hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đội ngũ làm công tác quy hoạch và chất lượng quy hoạch từng bước có thay đổi rõ rệt. Trong đó, việc lập và quản lý theo quy hoạch đô thị đóng góp không nhỏ trong quá trình phát triển của cả nước, bộ mặt đô thị của các tỉnh, TP được thay đổi theo hướng văn minh, xanh - sạch - đẹp.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, công tác lập quy hoạch đô thị hiện nay vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập, chưa đồng bộ. Nhiều dự án vẫn trong trình trạng bỏ hoang, đầu tư xây dựng dở dang; ùn tắc giao thông, ngập úng vẫn diễn ra; khiếu kiện vẫn xảy ra tại nhiều nơi,… Điển hình tại Hà Nội, sau những trận mưa lớn, tình cảnh khu đô thị nằm hai bên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Ðông), Ðại lộ Thăng Long (huyện Hoài Ðức) bị cô lập với các tuyến đường chung quanh, bởi nước ngập sâu lối ra vào không còn là chuyện lạ.
Hay tại địa bàn phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, nơi có gần 80 tòa nhà chung cư với mật độ dày đặc, nhưng thiếu đường giao thông, bãi đỗ xe, chợ dân sinh… khiến bộ mặt đô thị luôn nhếch nhác, quá tải, ùn tắc. Tình trạng nhiều khu đô thị được cho là cao cấp nhưng sau khi đưa vào sử dụng cư dân không có đường đi cũng từng xảy ra.
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng chỉ tiêu đất cây xanh trong khu vực dự án phải đảm bảo tối thiểu là 1m2/người. |
Theo KTS Nguyễn Toàn Thắng, nguyên nhân của thực trạng này chủ yếu do hệ thống quy hoạch chồng chéo, trùng lặp gây tốn kém nguồn lực, hệ thống luật còn chưa đồng bộ làm giảm hiệu quả của các quy hoạch. Chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu tầm nhìn xa (đặc biệt công tác dự báo của quy hoạch).
Bên cạnh đó, trong công tác xây dựng kế hoạch, thẩm định, triển khai theo kế hoạch cũng còn nhiều bất cập dẫn đến tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị còn thấp, thậm chí nhiều nơi còn thiếu chương trình và kế hoạch phát triển đô thị. Đặc biệt, công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch còn yếu, nhiều dự án chưa thực hiện đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch được duyệt, công tác xử lý vi phạm chưa kịp thời.
Trước những tồn tại đang hiện hữu, Bộ Xây dựng vừa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN 01:2021/BXD nhằm hiệu chỉnh, bổ sung và kế thừa hầu hết các nội dung của QCVN 01:2019/BXD và có thay đổi đáng kể so với QCXDVN 01:2008. Đây được coi là công cụ phục vụ đắc lực cho các bộ ngành, địa phương trong công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, khắc phục những tồn tại trong thời gian qua.
Công cụ quản lý sử dụng đất hiệu quả
Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia Nguyễn Thành Hưng cho biết, Quy chuẩn mới lần này đã thay đổi nhằm đồng bộ với các quy chuẩn trước đây về quy hoạch đô thị, sử dụng đất. Phân tách các nội dung trùng lặp, chưa thống nhất giữa quy chuẩn về quy hoạch với các quy chuẩn khác về hạ tầng kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy. Đưa ra các khái niệm về ranh giới phát triển đô thị, quy định về hạn mức đất dân dụng ứng với từng loại đô thị, nhằm phù hợp với thực tiễn mật độ cư trú và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của Việt Nam...
Đặc biệt, Quy chuẩn mới sẽ làm căn cứ để các cơ quan liên quan và địa phương lập quy hoạch quản lý đô thị, bao gồm quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị đáp ứng những nguyên tắc quy định về môi trường, an toàn cháy nổ, hoạt động chung của đô thị. Khôi phục lại hệ số sử dụng đất, đưa ra giới hạn hệ số sử dụng đất nhằm đảm bảo khả năng phục vụ của hệ thống hạ tầng đô thị. Đây là một nội dung quan trọng khắc phục nhiều khoảng trống trong quản lý, nhất là quản lý các dự án tái thiết trong những khu đô thị hiện hữu.
Cụ thể, tại bản Quy chuẩn mới sẽ điều chỉnh lại một số chỉ tiêu về hạn mức sử dụng đất trong đơn vị ở theo hướng tăng hạn mức đất tối thiểu lên 15m2/người so với hạn mức tối thiểu của đất cho đơn vị ở là 8m2/người như hiện nay. Một số hạn mức sử dụng đất của công trình giáo dục cũng được thay đổi đảm bảo phù hợp với các quy định của ngành GD&ĐT, trong đó các khu vực có quy mô dân số lớn hơn 20.000 người phải bố trí ít nhất một trường THPT.
Đối với các dự án có quy mô dân số dưới 4.000 người, việc bố trí công trình dịch vụ - công cộng, cây xanh sử dụng công cộng tuân thủ theo quy hoạch cấp trên. Ngoài ra, chỉ tiêu đất cây xanh trong khu vực dự án phải đảm bảo tối thiểu là 1m2/người và phải bố trí cơ sở giáo dục mầm non đảm bảo phục vụ đủ cho khu vực dự án.
Bản Quy chuẩn cũng đưa ra các yêu cầu mới về tăng cường tính an toàn và khả năng hoạt động của hệ thống PCCC trong đô thị. Trong đó nêu rõ, phải bố trí mạng lưới trụ sở các đội Cảnh sát PCCC với bán kính phục vụ tối đa là 3km đối với khu vực trung tâm đô thị và 5km đối với các khu vực khác. Đối với khu vực đô thị hiện hữu không đảm bảo bán kính phục vụ của các đội cảnh sát PCCC phải có giải pháp tính toán cân đối, bố trí quỹ đất bổ sung hoặc bổ sung trụ sở trên trong dự án khu đô thị mới.
Quy chuẩn mới nêu rõ, khoảng cách giữa những công trình trong đô thị hiện hữu do quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị quyết định, miễn sao phải đáp ứng các nguyên tắc quy định về môi trường, an toàn cháy nổ, hoạt động chung của đô thị.
Phân định các đối tượng để quy định, có những khu vực rất đặc thù, không nhất thiết tuân thủ 100% quy chuẩn. Ví dụ như khu phố cổ đã là di sản hay quần thể di tích kiến trúc của đô thị, các khu hiện có ổn định, thì chỉ cải tạo, chỉnh trang; có khu vực tuân thủ một phần với điều kiện được nới lỏng. Tuy nhiên, có khu vực phải tuân thủ hoàn toàn những quy định trong Quy chuẩn, áp dụng với khu mới như dự án có quy mô lớn; trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc, quy định về môi trường, an toàn tính mạng và tiện nghi cho con người.
"Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN 01:2021/BXD vừa được ban hành là công cụ tạo ranh giới phát triển đô thị để giám sát đô thị phát triển theo các vùng có kiểm soát, dành đất để cho các hoạt động kinh tế, sinh thái; là công cụ xây dựng hạn mức đất đai để khi quy hoạch có những tính toán phù hợp, tránh tình trạng vẽ đô thị quá to nhưng chưa biết đến bao giờ đầu tư, khu dân cư mật độ quá cao tiềm ẩn các nguy cơ về môi trường hay tình trạng quá tải hệ thống hạ tầng đô thị. Đây cũng chính là bước đầu của việc quản lý khai thác và sử dụng đất đai có hiệu quả" - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia Nguyễn Thành Hưng |