Hàng nghìn công trình chưa được nghiệm thu về PCCC
Chủ một homestay phục vụ khách du lịch nằm tại quận Ba Đình cho biết, theo quy định mới về PCCC, công trình phải có bồn chứa nước 100 - 400m3; có một lối thoát hiểm thứ hai khi xảy ra hỏa hoạn. Cùng với đó là tiêu chuẩn về vật liệu chống cháy, lắp hệ thống chống khói...
"Để trang bị được phải tốn kém rất nhiều tiền và diện tích đất. Trong giai đoạn này, quả thật khó khăn cho chúng tôi khi phải bỏ đi hết cái cũ và gần như để trang bị thêm lối thoát hiểm thì chỉ có phương án là... xây lại" - người này cho hay.
Tương tự, nhiều DN sản xuất cũng gặp khó với quy định về PCCC mới như: Xây dựng hệ thống bể chứa nước, lắp đặt các thiết bị PCCC, lựa chọn và sử dụng sơn chống cháy bên trong tòa nhà. Theo bà Oanh, chủ một nhà xưởng tại Khu công nghiệp Bình Dương, nhiều DN vướng quy định PCCC mới, đối mặt với nguy cơ bị đình chỉ, đóng cửa vì để đáp ứng được, bản thân DN cũng khó có đủ kinh phí đầu tư.
"Với tình trạng DN vẫn đang kiệt quệ như hiện nay, việc đầu tư lại mới trang thiết bị, đúng theo quy định trong khi chúng tôi doanh thu gần chạm đáy nên rất cần tháo gỡ" - bà Oanh chia sẻ.
Mới đây, 7 hiệp hội DN gồm: Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cũng đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng và các cơ quan bộ, ngành liên quan báo cáo những khó khăn, vướng mắc liên quan lĩnh vực PCCC. Cụ thể, các DN kiến nghị tháo gỡ một số nội dung như: Nhanh chóng công bố và cấp phép cho nhiều sản phẩm đủ tiêu chuẩn PCCC để DN có cơ sở lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Đồng thời Chính phủ nên nhanh chóng xã hội hóa công tác kiểm định, thẩm duyệt, nghiệm thu công tác PCCC để đẩy nhanh việc xét duyệt hồ sơ, đưa công trình vào sản xuất - kinh doanh, tạo sản phẩm cho xã hội. Đối với các công trình đã hoàn thành, công trình dở dang hoặc đã được xét duyệt dự toán, phương án PCCC thì được áp dụng theo các tiêu chuẩn trước đó, không làm thay đổi kế hoạch đầu tư.
Thượng tá Nguyễn Văn Bình - Trưởng phòng Khoa học công nghệ và kiểm định phương tiện PCCC, Cục Cảnh sát PCCC&CHCN (Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo đơn vị chức năng tổ chức rà soát, tổng hợp, thực hiện các biện pháp xử lý đối với các công trình vi phạm chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng sau ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực, đồng thời hướng dẫn các biện pháp khắc phục.
Tuy nhiên, đến nay, qua thống kê cho thấy, trên toàn quốc vẫn còn hàng nghìn công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng và chưa khắc phục đầy đủ các yêu cầu an toàn PCCC theo QCVN 06:2022/BXD.
Trong đó khó khăn, vướng mắc chưa được khắc phục chủ yếu liên quan đến các vi phạm về kiến trúc, kết cấu xây dựng của công trình đã thi công xây dựng hiện hữu như đường giao thông phục vụ chữa cháy, khả năng tiếp cận của xe thang, xe chữa cháy đến công trình... hoặc cơ sở vi phạm quy định về trật tự xây dựng, dẫn tới khó khăn về kỹ thuật và pháp lý, kéo dài thời gian khắc phục của chủ đầu tư.
Đáng nói, trong số lượng công trình chưa được nghiệm thu, có nhiều chung cư né tránh khắc phục các vi phạm an toàn PCCC, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Điển hình như chung cư Nguyễn Quyền (quận Tân Phú) do Công ty TNHH Nguyễn Quyền làm chủ đầu tư dù chưa được nghiệm thu về PCCC nhưng đã tự ý đưa công trình vào hoạt động từ tháng 1/2013.
Ngoài ra, nhiều cao ốc đã xây dựng chục năm, đã đưa vào vận hành hoạt động như La Bonita, Bảy Hiền Tower, tòa C chung cư Cao Ốc Xanh, khu văn phòng chung cư cao cấp Petro Vietnam Landmark, căn hộ Mỹ Vinh, khu căn hộ 584 cũng chưa hoàn tất nghiệm thu PCCC…
Đơn giản hóa thủ tục hành chính
Theo thượng tá Nguyễn Văn Bình, nguyên nhân những tồn tại nêu trên đến từ ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC của chủ đầu tư chưa nghiêm, hoặc chưa nắm rõ quy định, đặt nặng mục tiêu kinh tế, cắt giảm chi phí đầu tư cho PCCC. Một số chủ đầu tư cố tình không chấp hành nghiêm quy định của pháp luật như thi công hệ thống PCCC không đúng thiết kế được duyệt, không thẩm duyệt, nghiệm thu trước khi đưa công trình vào hoạt động.
Ngoài ra, còn một số chủ đầu tư phó mặc trách nhiệm, ủy quyền cho các đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu PCCC liên hệ, thực hiện các thủ tục tại cơ quan Cảnh sát PCCC nên không nắm được trình tự, thời gian giải quyết hồ sơ, không nắm được nội dung tồn tại để tổ chức khắc phục. Nhiều hồ sơ đã được hướng dẫn hoàn thiện nhưng thiếu kiểm tra, đôn đốc dẫn đến hồ sơ phải nộp đi, nộp lại nhiều lần.
Cùng với đó, năng lực của đơn vị tư vấn thiết kế còn yếu, tình trạng đơn vị thi công không có chuyên môn còn diễn ra phổ biến, khi hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu thì nhờ đơn vị khác có đủ năng lực đứng tên, nên chất lượng thi công kém.
Quá trình thi công không tuân thủ thiết kế được phê duyệt, phải tổ chức nghiệm thu nhiều lần, chủ đầu tư tốn nhiều chi phí khắc phục và ảnh hưởng tiến độ đưa dự án vào khai thác sử dụng. Đáng nói, trong quá trình hoạt động, do nhu cầu sản xuất kinh doanh, nhiều chủ cơ sở tự ý cải tạo, mở rộng quy mô nhà xưởng, dây chuyển sản xuất mà không quan tâm nâng cấp cải tạo hệ thống PCCC, không thực hiện thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu theo quy định.
Về giải pháp hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC, nên nhanh chóng xã hội hóa công tác kiểm định, thẩm duyệt, nghiệm thu để rút ngắn công tác xét duyệt hồ sơ, đưa công trình vào sản xuất kinh doanh, tạo sản phẩm cho xã hội. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp với thủ tục thẩm duyệt thiết kế PCCC và nghiệm thu; xử lý đối với công trình hiện hữu chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu đã đưa vào hoạt động trên nguyên tắc “bảo đảm yêu cầu an toàn cháy, nổ nhưng không hợp thức hóa sai phạm”.
Đồng thời, các bộ, ngành nghiên cứu, rà soát các khó khăn, bất cập của tiêu chuẩn để sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Nhất là QCVN 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình phù hợp với mục đích, loại hình, công năng của công trình, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, công nghệ để đáp ứng yêu cầu PCCC, an toàn tính mạng, tài sản và sản xuất không gây lãng phí nguồn lực xã hội và có tính khả thi.
Qua kiểm tra, cả nước có khoảng 1.182.720 công trình, trong đó có khoảng 38.000 công trình đã đi vào hoạt động nhưng không đáp ứng được các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC (chiếm khoảng 3,32%).