Thông tư này quy định giáo viên (GV) mầm non, phổ thông công lập phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Và nếu chờ rà soát để đi học theo sắp xếp từ các phòng giáo dục, có không ít GV lo… không đến lượt mình, nên họ phải tự tìm lớp đi học trước, trên tinh thần tự nguyện nhưng không ít băn khoăn.
Lớp học online có đến 300 học viênBộ GD&ĐT đã ban hành các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT là căn cứ pháp lý để các đơn vị thực hiện việc tuyển dụng GV. Các thông tư này yêu cầu GV các hạng có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp.Ảnh minh họa. |
Theo đó, hiện nay, có những cách học về chứng chỉ nghề nghiệp như sau: Các trường rà soát toàn bộ GV, sắp xếp những người có nhu cầu, cần bổ sung chứng chỉ để đi học theo các lớp mà phòng GD&ĐT tổ chức, hoặc tự tìm lớp học. Nhưng theo ý kiến của cô Đỗ Na, GV cấp 2 tại Hà Nội thì: “Nếu các thông tư mới vào tháng 3/2021 có hiệu lực, chúng tôi chưa được sắp xếp theo các lớp của phòng GD&ĐT thì sẽ không giữ được hạng, giảm lương. Vì thế, đa phần các thầy cô thuộc diện cần bổ sung chứng chỉ sẽ tự tìm lớp để học”.
Cô giáo L.T.H., GV môn Văn tại Quảng Ninh cho biết: “Hiện tôi đã tham gia lớp học để có chứng chỉ bồi dưỡng nghề nghiệp của Đại học Hải Phòng tổ chức. Vì hiện có nhiều cơ sở tổ chức đào tạo cả trực tiếp, cả online, như lớp chúng tôi học online với khoảng 300 học viên một lớp học qua phần mềm zoom, có GV từ rất nhiều tỉnh, thành tham gia. Học phí lớp online là 2,3 triệu đồng/khóa học, với thời lượng hơn 1 tháng.Việc đào tạo online cũng có nhiều bất cập như lớp quá đông, đường truyền kém có khi không vào được lớp, phải tự nghiên cứu tài liệu”. Cũng theo cô H., kết thúc khóa học sẽ có bài thu hoạch, được nộp online, nội dung về các chuyên đề được đào tạo trong khóa học. Lớp học sẽ gồm GV của tất cả các môn học.
Còn cô Nguyễn Thúy Vân, GV tiểu học tại TP Đà Nẵng cho biết, cô cùng nhiều đồng nghiệp khác đã học xong chứng chỉ này với khoảng 2 tháng, 10 chuyên đề, tự tìm lớp học, đó là một hình thức nộp tiền vào để học. Khóa học cô tham gia là 2,5 triệu đồng/tháng, GV phải có chứng chỉ thì mới giữ được hạng.“Hiện tại đa phần các lớp này cho cán bộ quản lý đi học và người đi học không phải ai cũng được thăng hạng, thời gian và chi phí đi học tốn kém, trong khi GV sử dụng thời gian vào công tác giảng dạy thì cần đầu tư vào chuyên môn nhiều hơn, cái đó cần thiết hơn. Chính bản thân tôi khi chọn lớp, còn phải tìm xem cơ sở đó có nằm trong danh sách Bộ GD&ĐT cấp phép hay không, giờ làm trên lớp thì không được giảm, sắp xếp thời gian đi học cùng khá khó khăn” - cô Vân cho biết.
Thêm một loại “giấy phép con”?Việc loay hoay tìm lớp học chứng chỉ đối với GV hiện nay là thực tế, chất lượng lớp học còn là vấn đề bỏ ngỏ. Theo cô N.T.N., GV môn Toán tại Hà Nội thì lớp chứng chỉ GV không hiệu quả, không có tác dụng nào đối với công tác giảng dạy. “Nhưng nếu không học, rất băn khoăn rằng mình liệu có đủ tiêu chuẩn giữ hạng hay không” – cô N. băn khoăn.Trao đổi vấn đề này, cô N.T.T.T. - Phó Hiệu trưởng một trường Tiểu học tại huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết: “Thực ra chứng chỉ nghề nghiệp GV đã có từ năm 2015 với các thông tư liên tịch số 20, 21, 22 của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ, khi đó, chứng chỉ chỉ cần thiết đối với những GV có nhu cầu thăng hạng cao hơn. Đến các thông tư 01, 02, 03 năm 2021 của Bộ GD&ĐT thì lại khác. GV ở hạng nào phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của hạng đó”. Nếu nâng hạng I thì rất khó, bởi các thầy cô phải biên soạn sách, hoặc tham gia hội đồng chọn sách giáo khoa.“Năm học này, cấp thẩm quyền phê duyệt chọn sách đã do UBND tỉnh, TP quyết, không phải là từng trường như năm học trước, vậy cả TP sẽ có bao nhiêu GV tham gia Hội đồng chọn sách hay biên soạn sách? Nếu chiếu theo yêu cầu này, thì hiện tại chúng tôi không có GV nào có thể nâng hạng lên hạng I được. Ở cấp học THPT thì chứng chỉ GV hạng I, II sẽ có GV đáp ứng được nhiều hơn vì liên quan đến tham gia đoàn đánh giá ngoài, tham gia chấm hội thi GV dạy giỏi, tham gia biên soạn tài liệu bồi dưỡng GV... cô N.T.T.T chia sẻ.
“Có nơi để được đi học, cần có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B trở lên, trong khi Bộ đã bỏ yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với GV. Vậy có phải những quy định thêm này đang vênh với quy định chung và vẫn làm khó GV không”- đó là băn khoăn của nhiều giáo viên hiện nay. Ngoài ra, theo cô L.T.H., ở Quảng Ninh thì, nếu có thể, Bộ GD&ĐT nên điều chỉnh các Thông tư 01, 02, 03 năm 2021 theo hướng chỉ quy định cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với những trường hợp thi hoặc xét thăng hạng cao hơn.
Với vấn đề này, phía đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho cho hay: Quy định tại các thông tư nêu trên có căn cứ theo luật và nghị định của Chính phủ. Việc quy định có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là quy định chung đối với viên chức của tất cả các ngành, các lĩnh vực, không riêng gì ngành giáo dục.Thực tế, ngành giáo dục cũng nỗ lực trong việc đề nghị được thay các chứng chỉ này bằng các chứng chỉ chuyên ngành của ngành giáo dục nhưng đây là quy định của Luật Viên chức. Vì thế, muốn bỏ hay sửa quy định này cần phải sửa các quy định tại Luật viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP.
Theo Điều 31 Luật Viên chức năm 2010, viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp nào phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó và làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm đó. Đối với GV cũng vậy, và điều kiện về trình độ đào tạo, chứng chỉ bồi dưỡng GV cũng là một trong những điều kiện này. "Cá nhân từng giáo viên phải học tập, nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết của nhà giáo đứng trên bục giảng để đem lại hiệu quả giảng dạy cao nhất. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn đặt ra cho giáo viên cũng phải xuất phát từ thực tiễn. Có những tiêu chuẩn không cần thiết thì không nên gây áp lực cho giáo viên, nhất là đối với những quy định nặng về bằng cấp, chú trọng bằng cấp mà lại bỏ qua năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn của giáo viên. Tôi đang tiếp tục nghiên cứu, phân loại, tổng hợp các nhóm ý kiến để gửi kiến nghị đến Bộ GD&ĐT trong kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIV sắp tới để bộ này nghiên cứu, xem xét. Chúng tôi dự kiến kiến nghị Bộ GD&ĐT theo hướng chung, bộ này cần phải phân tích chính sách để điều chỉnh hoặc có hướng dẫn cụ thể hơn nữa."- Đại biểu Quốc hội khóa XIV (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Phạm Thị Minh Hiền |