Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH Hừng Đông (Hà Nội) để làm rõ vấn đề này.
Thưa ông, nguyên nhân sâu xa khiến nhiều người dân tham gia chơi họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là họ) phổ biến trong thời gian qua là gì?- Theo tôi, việc người dân tham gia chơi họ phổ biến trong thời gian qua có một số nguyên nhân. Thứ nhất, không thể phủ nhận đây là hình thức huy động vốn tiện lợi, nhanh chóng, dễ tiếp cận và có tính cơ động rất cao. Chơi họ đã trở thành truyền thống tương trợ, giúp đỡ nhau từ lâu đời và mang mục đích, ý nghĩa tốt đẹp trong Nhân dân.
Thứ hai, việc tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng còn khó khăn do các thủ tục phức tạp và đôi khi còn cứng nhắc. Cùng đó, uy tín của nhiều tổ chức tín dụng chưa cao cũng là một nguyên nhân khiến cho người dân lựa chọn chơi họ. Tuy nhiên, do sự thiếu hiểu biết lại tham lãi suất cao nên nhiều người dân dễ bị lợi dụng, đã xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc.
Sau hơn 12 năm thi hành Nghị định 144/2006/NĐ-CP, hình thức chơi họ đã xảy ra nhiều biến tướng, từ đó lộ ra nhiều khoảng trống pháp lý. Ngày càng có nhiều nạn nhân của hình thức huy động vốn biến tướng này nhưng dường như các vụ việc xảy ra chưa được chính quyền, cơ quan chức năng xử lý triệt để?
- Các văn bản pháp luật điều chỉnh về họ cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về cơ sở pháp lý để giải quyết các quan hệ liên quan, góp phần tạo hành lang pháp lý an toàn hơn cho người dân trong các giao dịch về họ. Đồng thời, phát huy các giá trị văn hóa, tập quán tốt đẹp về sự tương thân, tương trợ lẫn nhau trong huy động vốn, phục vụ sản xuất và đời sống của người dân, góp phần hạn chế cho vay nặng lãi và đẩy lùi các tệ nạn xã hội khác liên quan.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, nhu cầu cho vay, đi vay bằng phương thức chơi họ ngày càng đa dạng, phức tạp, thậm chí có sự biến tướng. Trên thực tế đã xảy ra một số vụ việc vỡ họ gây hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân, tổ chức, khiến các cơ quan có thẩm quyền khó khăn trong xác minh họ, tên, lai lịch của người tham gia họ trong các dây họ lớn; xác định chứng cứ; xác minh đường lối giải quyết hành vi là khởi tố hình sự hay giải quyết tranh chấp dân sự…
Một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là Nghị định 144/2006/NĐ-CP còn có những hạn chế trong quy định về người tham gia họ, hình thức thỏa thuận họ, sổ họ, cơ chế kiểm soát họ, lãi suất họ… Tuy nhiên, theo tôi việc buông lỏng quản lý và thiếu nắm bắt thông tin kịp thời của chính quyền địa phương cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra. Cùng đó, công tác tuyên truyền, cảnh báo để người dân cảnh giác cũng chưa được chú trọng. Nhiều vụ việc xử lý chưa triệt để, thậm chí còn có dấu hiệu tiếp tay, bao che của các cán bộ quản lý Nhà nước.
Từ ngày 5/4 tới, Nghị định số 19/2019/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường có hiệu lực, liệu rủi ro của việc chơi họ có được giảm thiểu khi kênh huy động vốn tự phát này được chính quyền quản lý, thưa ông?
- Nghị định số 19/2019/NĐ-CP đã khắc phục được nhiều khoảng trống pháp lý về vấn đề này. Nghị định quy định khá chi tiết về nguyên tắc tổ chức họ; điều kiện làm thành viên, chủ họ; gia nhập, rút khỏi họ; văn bản thỏa thuận về họ; thứ tự lĩnh họ, lãi suất; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của thành viên, chủ họ.
Pháp luật hiện tại chỉ quy định những người khi tham gia chơi họ có thể thỏa thuận bằng văn bản hoặc bằng miệng nên rất rủi ro. Nghị định 19 đã đưa ra quy định, chủ họ phải đăng ký với UBND cấp xã, phường. Tôi cho rằng, việc phải đăng ký với chính quyền sẽ hạn chế được rủi ro cho người tham gia nhưng trên hết vẫn là sự quản lý sát sao của chính quyền địa phương, ý thức cảnh giác và hiểu biết của những người tham gia chơi họ.
Xung quanh “luật rừng” của những kẻ tổ chức chơi họ, huy động vốn biến tướng, phải chăng cần phải có chế tài mạnh, xử lý hình sự?
- Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Tuy pháp luật hình sự hiện tại đã có những tội danh về hành vi cho vay nặng lãi, tuy nhiên trên thực tế vẫn có những mập mờ và khoảng trống pháp luật trong vấn đề chơi họ. Bên cạnh đó, việc xử lý và áp dụng pháp luật còn thiếu thống nhất giữa nhiều nơi, nhiều cơ quan. Chính vì thế, việc hoàn thiện pháp luật và có những chế tài xử lý nghiêm minh đối với những hành vi này là hết sức cần thiết.
Theo ông, người dân cần làm gì để bảo vệ mình khi tham gia chơi họ?
- Để tự bảo vệ mình khi tham gia chơi họ, người dân cần tự trang bị cho mình các kiến thức pháp luật, nâng cao cảnh giác... chỉ nên chơi họ khi thấy rõ sự an toàn và nằm trong khuôn khổ của pháp luật quy định. Có như vậy, mới có thể tránh hoặc chí ít là hạn chế tối đa những rủi ro, hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Ngoài ra, cần lưu ý những điểm sau: Thứ nhất, chỉ tham gia vào dây họ khi người chủ họ có độ tin cậy cao. Việc này không chỉ đánh giá qua bề ngoài hào nhoáng, nhà cao cửa rộng, quan hệ rộng… mà phải xem đến uy tín, nhân thân, thậm chí gia đình của người chủ họ.
Thứ hai, phải biết rõ, thậm chí chọn lựa những người cùng tham gia chơi họ đang làm việc ở đâu, nguồn thu nhập như thế nào, có khả năng tham gia lâu dài và đóng họ đầy đủ không? Có không ít trường hợp người tham gia hốt họ xong là bỏ trốn không tiếp tục đóng họ nữa gây thiệt hại và ảnh hưởng đến các thành viên chơi họ khác.
Thứ ba, việc chơi họ nhất thiết phải có sổ sách rõ ràng, chứng từ đầy đủ, chính xác và chi tiết về diễn biến của dây họ. Ngoài số liệu tiền bạc, ngày tháng, chủ họ và các thành viên nên lập thành văn bản thỏa thuận về việc chơi họ, có điều khoản quy định rõ về chu kỳ đóng tiền, số tiền đóng, hình thức thanh toán, trách nhiệm của chủ họ, quyền và nghĩa vụ của các họ viên, vấn đề giải quyết tranh chấp.
Tóm lại, đây như là một bản hợp đồng vay mượn tiền của nhau, phải có cả sổ phụ cấp cho các họ viên. Đây là những chứng cứ hết sức quan trọng, và là cơ sở để Tòa án xem xét, giải quyết khi xảy ra tranh chấp, bể họ.
Khi xảy ra tranh chấp về họ, các bên nên chủ động chấm dứt dây họ, thương lượng, hòa giải với nhau, có thể lập thành bản thỏa thuận mới theo hướng chốt nợ, đưa ra thời điểm trả nợ. Nếu không hòa giải, thương lượng với nhau được thì người bị thiệt hại nên khởi kiện ra Tòa án, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Ở khía cạnh khác, chính quyền các cấp cũng cần nâng cao nhận thức cho người dân thông qua việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật. Cần chủ động nắm bắt thông tin để kịp thời có những biện pháp ngăn chặn khi có các dấu hiệu lừa đảo, tránh cảnh chạy theo xử lý vuốt đuôi, hay “mất bò mới lo làm chuồng”.
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, bổ sung những quy định pháp luật mới, dự báo được những vấn đề mới phát sinh do thay đổi từ thực tiễn cuộc sống để có những điều chỉnh phù hợp cũng hết sức quan trọng.Xin cảm ơn ông!
Trên thực tế đã xảy ra một số các vụ việc vỡ họ gây hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân, tổ chức, khiến các cơ quan có thẩm quyền khó khăn trong xác minh họ, tên, lai lịch của người tham gia họ trong các dây họ lớn; xác định chứng cứ; xác minh đường lối giải quyết hành vi là khởi tố hình sự hay giải quyết tranh chấp dân sự… |