Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy định phân loại rác thải từ nguồn từng hộ gia đình để tạo nếp

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 12/8, tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Một trong những nội dung được nhiều ý kiến quan tâm là quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Báo cáo về một số vấn đề lớn được tiếp thu, chỉnh lý, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, xác định cộng đồng dân cư có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, Ban soạn thảo đã bổ sung cụm từ “cộng đồng dân cư” trong hoạt động bảo vệ môi trường nhằm phát huy hơn nữa vị trí, vai trò quan trọng của cộng đồng dân cư đối với công tác này, đồng thời, quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của cộng đồng dân cư.
 Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng. Ảnh: Quochoi.vn
Về ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; quy định cụ thể lộ trình bắt buộc thực hiện tính chi phí phải trả dựa trên khối lượng, chủng loại rác thải phát sinh để bảo đảm tính khả thi, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định, đây là nội dung quy định tiến bộ.
"Các quy định về phân loại, tính chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại nhằm khuyến khích phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; bảo đảm công bằng trong việc chi trả phí thu gom, vận chuyển, xử lý theo hướng phát sinh nhiều thì trả tiền nhiều, không cào bằng như hiện nay" - Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nói.
Theo đó, Ban soạn thảo đã chỉnh lý quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại cơ bản và căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng, chủng loại chất thải phát sinh trước ngày 1-1-2025. Đồng thời, giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh.
Tại phiên họp, nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất nêu trên. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, quản lý chất thải sinh hoạt là vấn đề rấn khó, được đề cập cả chục năm nhưng chưa xử lý hiệu quả. Công tác thu gom rác đã là cả một vấn đề lớn từ thành thị đến nông thôn hiện nay, do vậy, ngay từ bây giờ phải tính toán giải quyết để 5 năm sau thực hiện được hiệu quả. Nếu đặt lộ trình đến năm 2025 triển khai thì phải bắt tay thực hiện ngay từ bây giờ, trước hết là tuyên truyền nâng cao nhận thức, bắt đầu từ thế hệ trẻ.
 Toàn cảnh phiên họp
Trưởng Ban Công tác Đại biểu Trần Văn Tuý lại cho rằng lộ trình đến 2025 là hơi dài, cần có lộ trình ngắn hơn để sớm tạo ra ý thức phân loại rác. Khi kêu gọi phân loại rác thì người dân sẽ đồng tình. Nếu không quyết tâm thì lại lãng phí 5 năm, rác thải lại không được phân loại. Còn cái gì người dân phân loại bán được thì bán, cái gì thải gây ô nhiễm môi trường thì người dân có trách nhiệm phải trả phí, hai cái này là khác nhau.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng ủng hộ quan điểm phải quy định phân loại rác thải từ nguồn từng hộ gia đình để tạo nếp chứ không phải đợi tới nhà máy mới phân loại. Tuy nhiên, muốn làm được phải có điều kiện, trong đó cần chiến dịch truyền thông nâng cao ý thức cũng như có những cách thức tạo thuận lợi, khuyến khích người dân. “Mỗi nhà có một cái thùng 3 ngăn với mầu khác nhau, in chữ thì rất hay. Nhà ít rác thì sử dụng loại nhỏ. Muốn người dân có thói quen thì sản xuất, tiêu dùng sản phẩm này cũng phải tính đến để người dân quan tâm, rồi trở thành phong trào” – Chủ tịch Quốc hội gợi ý. Đồng thời một lần nữa nhấn mạnh, cần quan tâm hơn công tác tuyên truyền giáo dục để mọi người được sống trong môi trường trong lành.