Quy định rõ thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch xây dựng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 24/5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về những điểm còn nhiều ý kiến khác nhau của Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi).

 Đây được coi là việc kế thừa các quy định của Luật xây dựng hiện hành nhằm tránh khoảng trống pháp luật trong quản lý. Quy hoạch xây dựng tạo tiền đề cho việc thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, có ý kiến đề xuât trong tương lai, cần nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về quy hoạch để điều chỉnh tổng thể các loại quy hoạch khác nhau. 

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Có ý kiến ĐB Quốc hội đề nghị nghiên cứu rút ngắn hơn thời gian quy hoạch vì thời gian quy hoạch kéo dài 20-25 năm sẽ gây ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, theo giải trình của cơ quan soạn thảo, quy hoạch xây dựng liên quan đến quá trình đầu tư xây dựng trước mắt và lâu dài, đồng thời phải dự báo một cách khoa học để đáp ứng yêu cầu thực tế và xu thế phát triển. Do vậy, để đáp ứng các yêu cầu trên và qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đối với quy hoạch xây dựng vùng và khu chức năng đặc thù thì thời hạn quy hoạch cần từ 20 đến 25 năm, có tầm nhìn đến 50 năm là phù hợp. Quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết là cụ thể hoá quy hoạch chung, được thực hiện thông qua kế hoạch thực hiện quy hoạch, theo yêu cầu quản lý và phát triển; theo kế hoạch và nhu cầu đầu tư. 

Để bảo đảm kiểm soát việc thực hiện theo quy hoạch được duyệt và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về kế hoạch thực hiện quy hoạch, về việc rà soát quy hoạch theo định kỳ, các ĐB Quốc hội cho rằng cần quy định chặt chẽ và cụ thể hơn trình tự các bước điều chỉnh quy hoạch xây dựng. Đồng thời đề nghị làm rõ quy định việc giao Thủ tướng Chính phủ thành lập cơ quan chuyên trách chỉ đạo, điều phối quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng. 

Trong cuộc thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ về việc lấy ý kiến của cộng đồng trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch xây dựng và vai trò của HĐND trong việc phê duyệt quy hoạch xây dựng. Đồng thời quy định rõ các hình thức công bố công khai thông tin quy hoạch xây dựng được duyệt.

Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 18/6.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần