Quy định sau “đá” văn bản trước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm giải quyết tình trạng “thừa xe, thiếu tài” của các DN vận tải bằng...

Kinhtedothi - Nhằm giải quyết tình trạng “thừa xe, thiếu tài” của các DN vận tải bằng xe container, Bộ GTVT vừa cho phép lái xe có giấy phép lái xe (GPLX) hạng C, có thâm niên từ một năm và 50.000km lái xe an toàn trở lên được phép học chuyển đổi lấy bằng FC (GPLX xe container).

Trước quyết định trên, nhiều người cho rằng, nếu chỉ giảm thâm niên lái xe mà giữ nguyên số ki lô mét lái xe an toàn sẽ buộc những tài xế trẻ có nhu cầu chuyển đổi phải vi phạm các quy định mà Bộ GTVT đã đặt ra.

Nghịch lý thừa, thiếu

Theo thống kê của Tổng Cục đường bộ Việt Nam, hiện tại cả nước có 41.385 xe ô tô đầu kéo, trong đó Hà Nội có hơn 3.300 xe, Hải Phòng khoảng 9.000 xe, TP Hồ Chí Minh hơn 11.600 xe. Để cấp bằng lái cho loại xe này, cả nước có 36 cơ sở đào tạo lái xe hạng FC; các trung tâm đào tạo lái xe đã cấp 56.139 GPLX hạng FC. Số lượng GPLX đã cấp đạt tỷ lệ 1,36 GPLX/1 ô tô đầu kéo.
Xe container lưu thông trên đường Võ Văn Kiệt, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Xe container lưu thông trên đường Võ Văn Kiệt, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Từ năm 2014, do việc siết chặt tải trọng phương tiện nên nhiều DN đã phải đầu tư thêm xe đầu kéo để chở hàng. Chính vì thế, lái xe FC cũng rơi vào tình trạng cung không đáp ứng được cầu. Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng Lê Như Tiến, trên địa bàn TP Hải Phòng, từ năm 2014 đến nay, các DN đã đầu tư thêm khoảng 2.000 xe đầu kéo, tuy nhiên, lái xe có bằng FC lại không đáp ứng kịp, dẫn đến thiếu trầm trọng lái xe loại này. Còn theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh, hiện, mỗi DN vận tải bằng xe container tại đây đang thiếu trung bình 5 tài xế và phần lớn đều tập trung vào các DN làm ăn chân chính. Ông Hứa Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh cho biết, thu nhập giữa lái xe có bằng lái C và FC chỉ khoảng 2 triệu đồng, trong khi lái xe container vất vả hơn nhiều lần. Tuy nhiên, lái xe container do đặc thù chạy đêm nên thu nhập sẽ cao hơn nhiều nếu tham gia chạy quá tải. Ví dụ, nếu chở thêm 10 tấn, DN sẽ thu được khoảng 4,5 triệu đồng, lái xe được chia khoảng 2,5 triệu đồng, trừ chi phí bốc xếp họ còn được thêm 2 triệu đồng, thay vì 300.000 đồng nếu chở đúng tải.

Cũng do Chính phủ, Bộ GTVT tổ chức kiểm soát trọng tải phương tiện, nhiều DN đã chuyển sang kinh doanh bằng xe container, trong khi lượng lái xe có bằng FC theo quy định lại hạn chế. Điều này khiến một lượng lớn DN làm ăn chộp giật, cạnh tranh không lành mạnh đã sử dụng lái xe dùng bằng giả, nghiện ngập… điều khiển phương tiện. Hệ quả là chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm đã có 22 vụ TNGT liên quan đến xe container, tăng hơn 200% so với năm 2014.

Sẽ phát sinh tiêu cực?
Năm 2009, Luật Giao thông đường bộ quy định, những người lái xe đầu kéo phải có GPLX hạng FC thay vì hạng C. Do đó, lái xe muốn thi bằng FC phải từ 24 tuổi trở lên, có đủ thời gian lái xe hạng C là 3 năm và 50.000km lái xe an toàn; học viên phải học đủ 192 giờ, gồm 48 giờ học lý thuyết và 144 giờ học thực hành lái xe.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, nhiều lái xe, cán bộ của một số trung tâm dạy lái xe tại Hà Nội cho rằng, nếu áp dụng theo quy định mới (lái xe hạng C có thâm niên một năm và 50.000km lái xe an toàn trở lên - PV) số người được chuyển đổi sẽ không nhiều. Lý giải về việc này, một giáo viên dạy lái xe của Trung tâm đào tạo & sát hạch lái xe trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an) cho rằng, việc Bộ GTVT cho phép lái xe bằng C có thâm niên một năm, có hơn 50.000km an toàn được phép học chuyển đổi thi bằng FC là không hợp lý và đi ngược lại những quy định mà bộ đã ban hành. Bởi, để chạy được 50.000km trong vòng một năm (tính cả những ngày ốm đau, lễ, tết) mà đáp ứng được quy định không cầm lái quá 8 giờ liên tục, quá 10 giờ trong một ngày là điều quá khó.

Thêm vào đó, khái niệm “an toàn” mà Bộ GTVT đưa ra cũng quá mơ hồ, thiếu tính khả thi, xa rời thực tế. Ngoài ra, ai, đơn vị nào sẽ có thẩm quyền đánh giá, chứng minh, xác nhận cũng là điều khiến những người làm nghề vận tải, đặc biệt là các lái xe hạng C không khỏi băn khoăn. Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết: “DN, hợp tác xã sẽ làm việc này và phải chịu trách nhiệm về cả mặt hành chính và hình sự”. Thế nhưng, dường như Thứ trưởng Bộ GTVT đã quên rằng, hiện, nhiều DN, hợp tác xã đã và đang sử dụng lái xe không có bằng, sử dụng bằng giả, nghiện ngập… để điều khiển “hung thần container”. Vậy, Bộ GTVT có khẳng định các đơn vị được giao xác định số ki lô mét an toàn sẽ không lần nữa vì lợi nhuận kinh tế và coi thường tính mạng, sự an toàn của người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần