Minh bạch, lành mạnh hoá thị trường
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2003, công tác quản lý Nhà nước về đất đai còn một số hạn chế, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất và các thủ tục hành chính về đất đai. Công tác bồi thường, GPMB, xác định giá đất, hỗ trợ, tái định cư còn nhiều khó khăn, bất cập.
Việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp, trong khi tham nhũng, tiêu cực có chiều hướng gia tăng. Lợi ích của Nhà nước và một bộ phận người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng. Tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp. Thị trường bất động sản (BĐS) phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh.
Một góc Khu đô thị mới Cầu Bươu, huyện Thanh Trì. Ảnh: Đức San
Vì vậy, theo các chuyên gia, Dự thảo Luật Đất đai được trưng cầu ý dân để sửa đổi theo hướng tích cực hơn bởi những bất cập của Luật hiện hành đã tác động tiêu cực đến nhiều vấn đề xã hội, trong đó có sự đóng băng của thị trường BĐS. Pháp luật về đất đai sẽ là khung pháp lý quan trọng quyết định sự phát triển của thị trường BĐS.
Dù Dự thảo luật đã tính sửa đổi vấn đề này để minh bạch, lành mạnh hóa thị trường nhưng chưa thể hiện được sự đồng bộ, thúc đẩy quá trình phát triển bền vững.
Nông dân được đảm bảo quyền lợi
Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết, trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), năm 2013 là hết thời hạn giao đất nông nghiệp song Nhà nước sẽ không thu hồi chia lại ruộng đất. Khi hết thời hạn, người dân nếu có nhu cầu sử dụng sẽ tiếp tục được gia hạn.
"Chính sách đất đai cần ổn định, lâu dài, sẽ không chia lại ruộng đất để đảm bảo nông dân yên tâm sản xuất. Theo dự thảo, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp được kéo dài 50 năm. Tuy nhiên, nếu không chia lại ruộng đất, những người sinh ra sau năm 1993 không có đất canh tác, trong khi người chết rồi vẫn còn đất. Để cân đối, hỗ trợ cho những người không có ruộng đất, Nhà nước khuyến khích việc tự nguyện chuyển nhượng cũng như sẽ thu hồi diện tích đất của những trường hợp không có nhu cầu sử dụng để bàn giao cho người khác. Một số địa phương như Thái Bình, Hà Tĩnh… đã thực hiện điều này rất tốt" - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định.
Ông Trịnh Ngọc Phương, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị, cần phải bổ sung trong nội dung quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ngoài việc đảm bảo ưu tiên quỹ đất cho các mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, cần thêm quy định đảm bảo cho người nghèo tham gia vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội và tiến bộ xã hội.
Trong công tác quy hoạch sử dụng đất, đối tượng dễ bị tổn thương nhất là người nghèo, kể cả nông thôn và thành thị. Vì vậy, các nhà làm quy hoạch, chính quyền cảm thông những khó khăn mà người nghèo sẽ gánh chịu, để có những chính sách hợp lý thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có những nội dung đổi mới như: Hoàn thiện các cơ chế nhằm phát huy nguồn lực từ đất đai thông qua việc bổ sung quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất; lập Quỹ phát triển đất; tạo quỹ đất "sạch" để đấu giá quyền sử dụng đất. Tạo sự minh bạch trong quản lý, sử dụng đất nhằm phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và góp phần giảm khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai trên cơ sở quy định khung pháp lý về thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai; quyền tiếp cận thông tin đất đai. Đồng thời, tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình lập, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư... Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải |