Friday, 16:57 03/07/2015
Quy định về giới hạn làm thêm giờ: Quá khắt khe!
Kinhtedothi - Giới hạn làm thêm giờ của Việt Nam hiện đang khắt khe hơn rất nhiều nước như Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan...
Giới hạn làm thêm giờ của Việt Nam hiện đang khắt khe hơn rất nhiều nước như Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan... Việc này sẽ làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam, đồng thời cản trở phát triển các ngành công nghiệp, chế tạo, chế biến... là lo ngại chung của các DN có mặt tại Hội nghị đối thoại với DN về chính sách lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội (BHXH) diễn ra ngày 3/7 tại Hà Nội.

Theo phản ánh của ông Chu Văn An, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến & Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các DN xuất khẩu thủy sản đang gặp khá nhiều rào cản xuất phát từ một số quy định chưa hợp tình, hợp lý của Bộ Luật lao động. Luật Lao động 2012 quy định, chủ DN phải “bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày, không quá 30 giờ/tháng và không quá 200 giờ/năm. Trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm”.
Các DN cho rằng, quy định như vậy là quá khắt khe, trong khi ở Nhật Bản là 360 giờ/năm, Malaysia là 104 giờ/tháng, Đài Loan là 46 giờ/tháng... “Trên thực tế, khi tôm trúng mùa, nông dân chuyển đến nhà máy thì DN không thể không nhận, mà nhận sản xuất thì bị đối tác nước ngoài đánh lỗi là làm không đúng quy định của Bộ luật lao động” - ông An phân trần. Mặt khác, để giao hàng đúng hẹn với khách hàng, DN buộc phải tăng ca dẫn đến vi phạm thời gian làm thêm, bị cơ quan quản lý phạt. Đại diện VASEP bức xúc: “Nói thật, DN cũng chẳng mặn mà với làm thêm giờ vì phải trả ít nhất 150% lương cho làm thêm giờ bình thường, 215% cho tăng ca vào ban đêm, 300% cho làm thêm vào ngày lễ và 200% làm thêm ngày chủ nhật. Nhưng nếu không tăng ca, làm thêm giờ thì không kịp đơn hàng”.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hiệp hội DN Hưng Yên cho rằng, không chỉ DN cần làm thêm giờ mà chính người lao động cũng mong muốn được làm thêm để tăng thu nhập. Trung bình lương mỗi công nhân là 4 triệu đồng/tháng, nhưng làm thêm giờ họ có thể được 7 triệu/tháng nên ai cũng muốn làm thêm. Nếu không được làm thêm ở công ty, hết giờ làm nhiều lao động lại đi chạy bàn, bán trà nước... để trang trải cuộc sống. Trong khi chủ DN loay hoay vì thiếu lao động”. Cũng theo ông Dương, các nhà làm luật nên thay đổi quan điểm: “Giờ đây người lao động không còn ở thế yếu như trước, họ được quyền chọn chủ lao động, chứ không phải chủ lao động chọn thợ. Hiểu như vậy thì sẽ có hướng sửa đổi Luật Lao động phù hợp hơn với thực tế”.
Các DN kiến nghị nên chỉnh sửa để bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày; không quá 50 giờ/tháng và không quá 500 giờ/năm.
Theo lập luận của ông An, nếu làm việc bình quân 10 giờ/ngày không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như năng suất lao động. Chưa kể, không phải ngày nào DN cũng có đủ nguyên liệu và đơn hàng để tổ chức làm thêm giờ. Chủ DN cũng phải cân đối việc làm hàng ngày để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người lao động để DN phát triển bền vững.