Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy định xử phạt vi phạm hành chính: Thủ tục vẫn rườm rà

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 5 năm thi hành, Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập cần sửa đổi, bổ sung.

 Xử phạt hành chính người vi phạm giao thông trên đường Liễu Giai. Ảnh: Hải Linh
Tăng vụ việc vi phạm bị xử phạt
Theo Bộ Tư pháp, 5 năm thi hành Luật XLVPHC, số vụ vi phạm hành chính đã phát hiện là 36.789.227 vụ việc, tổng số vụ đã xử phạt là 28.493.927 vụ việc. Tỷ lệ số vụ việc đã bị xử phạt so với số vụ việc đã bị phát hiện ngày càng tăng, từ 66% vào năm 2014 lên 95% vào năm 2017. Đa số những đối tượng đều nhận thức được hành vi vi phạm của mình, có ý thức chấp hành nghiêm các quyết định xử phạt VPHC.

Về tình hình áp dụng biện pháp XLVPHC, tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là 57.311 đối tượng, tổng số đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là 53.164 đối tượng.

Nhìn chung, sau 5 năm thi hành, Luật XLVPHC đã khẳng định vai trò, là một trong những đạo luật được áp dụng nhiều nhất trong thực tiễn đời sống, thông qua số lượng việc XLVPHC rất lớn. Ngoài Luật XLVPHC, đã có cả hệ thống pháp luật đồ sộ về XLVPHC được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật trong lĩnh vực này. Sau 5 năm, bộ máy cán bộ làm công tác XLVPHC bước đầu hình thành từ T.Ư đến địa phương.
Tại Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật có 22 biên chế quản lý hành chính được giao, 7 biên chế sự nghiệp. Ở các bộ, cơ quan ngang bộ về cơ bản đã giao Vụ Pháp chế là đơn vị đầu mối triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về XLVPHC. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ này còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều công việc. Đáng chú ý, ở địa phương, đến nay đã có 60/63 tỉnh, TP thành lập phòng chuyên môn thuộc Sở Tư pháp.

Đề xuất tăng thẩm quyền giải quyết

Trên cơ sở kết quả tổng kết Luật XLVPHC, Bộ Tư pháp cũng nhìn nhận còn nhiều khó khăn, vướng mắc như một số thuật ngữ quy định còn mang tính định tính, chưa rõ ràng nên việc áp dụng còn chưa thống nhất. Việc quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện VPHC bị giới hạn theo thẩm quyền phạt tiền làm phát sinh nhiều vụ việc vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của cơ quan cấp dưới bị dồn lên cấp trên giải quyết, không bảo đảm tính kịp thời. Một số quy định về các biện pháp xử lý hành chính cũng còn nhiều bất cập…

Theo ông Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật, việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thẩm quyền xử phạt, trình tự, thủ tục xử phạt VPHC nên theo hướng rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật của các lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt.
Cụ thể, sửa đổi quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền xử phạt được quy định từ Điều 38 đến Điều 51 Luật XLVPHC theo hướng không bị giới hạn theo thẩm quyền phạt tiền để bảo đảm tính kịp thời, nhanh chóng trong việc xử phạt, tránh phát sinh nhiều vụ việc vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của cơ quan cấp dưới bị dồn lên cơ quan cấp trên giải quyết. Sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC theo hướng cấp trưởng được giao quyền cho cấp phó trong tất cả quyết định về xử lý VPHC, không chỉ giới hạn trong 3 trường hợp theo quy định của Luật.

Nhằm kịp thời khắc phục sai sót của các địa phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Tống Thị Thanh Nam đề xuất tăng cường các cuộc tọa đàm, tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý Nhà nước về XLVPHC và xử phạt VPHC cho các địa phương. Đồng thời tăng cường kiểm tra việc thi hành pháp luật về XLVPHC.