Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quỹ Hỗ trợ nông dân Hà Nội cùng nhà nông phát triển sản xuất

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) Hà Nội đang được định hướng cho vay theo dự án kinh tế, dành cho hội viên nông dân là thành viên của tổ hội, chi hội nghề nghiệp, tổ hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo toàn nguồn vốn.

Ngày 22/4, Đoàn công tác Ban Điều hành Quỹ HTND TP Hà Nội do Chủ tịch Hội Nông dân (HND) TP Hà Nội Phạm Hải Hoa làm trưởng đoàn đã kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động Quỹ HTND tại huyện Thạch Thất.

Ban Điều hành Quỹ HTND Hà Nội làm việc với lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thạch Thất ngày 22/4. Ảnh: Ngọc Ánh
Ban Điều hành Quỹ HTND Hà Nội làm việc với lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thạch Thất ngày 22/4. Ảnh: Ngọc Ánh

Tạo việc làm, tăng thu nhập nhờ vốn Quỹ HTND

Báo cáo với đoàn công tác tại buổi làm việc, Chủ tịch HND huyện Thạch Thất Khuất Khắc Sơn cho biết, HND huyện Thạch Thất có 23 cơ sở Hội với hơn 21.000 hội viên. Thời gian qua, HND huyện và HND các xã trên địa bàn huyện đã xây dựng, kiện toàn Ban điều hành, Ban vận động, Ban kiểm soát Quỹ HTND.

Năm 2022, HND huyện đã tham mưu HĐND, UBND huyện trích ngân sách bổ sung nguồn vốn Quỹ HTND 1 tỷ đồng.

Đoàn công tác kiểm tra thực tế việc sử dụng vốn vay Quỹ HTND tại xã Cần Kiệm. Ảnh: Ngọc Ánh
Đoàn công tác kiểm tra thực tế việc sử dụng vốn vay Quỹ HTND tại xã Cần Kiệm. Ảnh: Ngọc Ánh

Ban Chấp hành HND huyện đã ban hành văn bản, đồng thời chỉ đạo HND các xã, thị trấn tích cực, tham mưu đề xuất với cấp uỷ, chính quyền trích ngân sách bổ sung nguồn vốn cấp xã. Đến nay, 23/23 cơ sở đã tổ chức vận động Quỹ HTND.

Tính đến ngày 31/3/2022, HND huyện đang quản lý hơn 36,9 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ HTND TP Hà Nội ủy thác trên 31,9 tỷ đồng, Quỹ HTND toàn huyện đạt hơn 5,9 tỷ đồng.

Về kết quả cho vay, quản lý sử dụng vốn Quỹ, đối với nguồn ủy thác TP, quý I/ 2022, HND huyện đã tiến hành giải ngân 4 đợt với tổng số hơn 6,5 tỷ đồng thực hiện 14 dự án cho 188 hộ vay; trong đó có 8 mô hình điểm với số vốn 4,5 tỷ đồng.

Đối với nguồn vốn Quỹ HTND cấp huyện, 3 tháng đầu năm 2022, HND huyện đã tiến hành giải ngân 1 tỷ đồng thực hiện 3 dự án với 48 hộ vay.

Tính đến hết quý I/2022, HND huyện Thạch Thất cũng tiến hành thu hồi hơn 6 tỷ đồng nguồn ủy thác TP và nguồn Quỹ HTND huyện của 17 dự án. Tỷ lệ thu hồi vốn đạt 100%, không có tình trạng nợ quá hạn.

 

Cùng ngày, đoàn công tác đã kiểm tra thực tế việc sử dụng vốn vay Quỹ HTND của 2 hộ trên địa bàn huyện Thạch Thất, gồm: Hộ ông Kiều Trung Thành (thôn Yên Lạc 1, xã Cần Kiệm) sản xuất đồ gỗ dân dụng, vay vốn 20 triệu đồng và hộ anh Bùi Văn Hưng (thôn 2, xã Tân Xã) chăn nuôi gà thả vườn, vay vốn 40 triệu đồng.

Đánh giá hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND, ông Khuất Khắc Sơn khẳng định, nguồn vốn Quỹ HTND huyện Thạch Thất được chuyển đến đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích. Vốn Quỹ HTND đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn huyện Thạch Thất.

Từ nguồn vốn này, các hộ nông dân Thạch Thất có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nhân rộng mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần hình thành tổ, nhóm liên kết trong sản xuất, kinh doanh.

Nguồn vốn Quỹ HTND cũng là cầu nối hiệu quả gắn kết hội viên nông dân với tổ chức Hội; tạo điều kiện để các cấp Hội thực hiện tốt việc vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cơ cấu tập trung.

Chủ tịch HND huyện Thạch Thất đề nghị Ban Thường vụ HND TP Hà Nội tham mưu cho Ban Thường vụ Thành uỷ, UBND TP Hà Nội có văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác xây dựng Quỹ HTND. Đồng thời, đề nghị HND TP Hà Nội quan tâm tăng nguồn vốn vay cho cơ sở, nâng mức vay đối với hộ vay và dự án vay; tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ Quỹ HTND cho cán bộ phụ trách công tác kế toán.

Bàn giải pháp tăng trưởng nguồn vốn

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thất Nguyễn Minh Hồng cho biết, những năm gần đây, huyện Thạch Thất đầu tư khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm cho phát triển nông nghiệp.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thất Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Ngọc Ánh
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thất Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Ngọc Ánh

Đối với nguồn vốn Quỹ HTND, Huyện ủy, UBND huyện luôn quan tâm bổ sung nguồn vốn cấp huyện. Tuy nhiên, việc tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND cấp xã còn hạn chế.

Theo ông Nguyễn Minh Hồng, hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND rất rõ rệt, có tác động xã hội lớn khi tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động nông thôn, nhất là những hộ nông dân nghèo, cận nghèo. Vì vậy, trong thời gian tới, căn cứ vào việc tăng thu ngân sách hàng năm, Thạch Thất sẽ ưu tiên bố trí ngân sách bổ sung nguồn vốn Quỹ HTND; chỉ đạo đôn đốc các xã bố trí 15 - 20 triệu/năm cho nguồn Quỹ HTND.

Ông Nguyễn Minh Hồng đề nghị Ban Điều hành Quỹ HTND TP tiếp tục quan tâm, tăng ủy thác vốn Quỹ HTND cho huyện Thạch Thất.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch HND TP Hà Nội Phạm Hải Hoa đánh giá, công tác thu, chi tài chính được HND Thạch Thất thực hiện đúng quy chế; việc quản lý quỹ, cập nhật hệ thống sổ sách đầy đủ, thường xuyên, chính xác theo biểu mẫu.

Chủ tịch HND TP Hà Nội Phạm Hải Hoa phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Ngọc Ánh
Chủ tịch HND TP Hà Nội Phạm Hải Hoa phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Ngọc Ánh

Chủ tịch HND TP Hà Nội yêu cầu HND huyện Thạch Thất chủ động tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện bổ sung từ nguồn ngân sách cho Quỹ HTND. Song song đó, đề xuất các dự án với cấp ủy, chính quyền triển khai giải pháp hỗ trợ, phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

“Nguồn vốn Quỹ HTND cần được định hướng cho vay theo dự án kinh tế, hội viên nông dân là thành viên của tổ hội, chi hội nghề nghiệp, tổ hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo toàn nguồn vốn” – bà Phạm Hải Hoa nhấn mạnh.

Chủ tịch HND TP Hà Nội cũng đề nghị Huyện ủy, UBND huyện Thạch Thất thường xuyên làm việc và giao nhiệm vụ cụ thể, sát thực tiễn cho HND huyện. Cùng với đó, cố gắng định kỳ tổ chức đối thoại chuyên đề với cán bộ, hội viên nông dân nhằm kịp thời giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến nông dân…