Quy hoạch bến xe liên tỉnh: Kết nối chặt chẽ với giao thông công cộng

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/4 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tinh thần xuyên suốt của quy hoạch là các bến xe khách, xe tải liên tỉnh đều nằm trên các trục đường hướng tâm, cửa ngõ Thủ đô và kết nối chặt chẽ với hệ thống giao thông công cộng.

Bến xe Nước Ngầm được tạm thời giữ lại tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ. Ảnh: Hải Linh  
Bến xe Nước Ngầm được tạm thời giữ lại tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ. Ảnh: Hải Linh  

Bám sát Vành đai 4

Quy hoạch bến, bãi đỗ xe trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 1218/QĐ - UBND ngày 8/4/2022 (gọi tắt là Quy hoạch 1218). Định hướng chung là bố trí các bến xe khách, xe tải liên tỉnh trên những trục đường hướng tâm tại cửa ngõ giao với Vành đai 4.

TP đã dựa trên 5 tiêu chí cơ bản để lựa chọn vị trí cho các đầu mối vận tải này. Thứ nhất là quy hoạch bến xe khách cũng như xe tải liên tỉnh phải phù hợp với định hướng tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch GTVT Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; bao gồm cả các đồ án quy hoạch chung xây dựng huyện, đô thị vệ tinh, phân khu đô thị khác đã được UBND TP phê duyệt.

Thứ hai, các bến xe khách, xe tải liên tỉnh phải giữ vị trí đắc địa, đủ điều kiện trở thành đầu mối vận tải, giao thương, kết nối giao thông thuận lợi nhất cho việc vận chuyển hàng hóa, hành khách ra vào TP.

Thứ ba, các bến xe khách liên tỉnh xây dựng mới phải được kết hợp với các điểm đầu cuối của hệ thống xe buýt công cộng và gần các nhà ga của đường sắt đô thị, nhằm tối ưu hoá kết nối, vận chuyển hành khách vào khu vực nội đô và ngược lại.

Thứ tư, phân bổ đều các bến xe theo các hướng Đông - Tây - Nam - Bắc, để cân đối hài hòa vùng phục vụ, hạn chế tối đa việc tập trung lưu lượng vận tải vào khu vực đô thị trung tâm, giảm thiểu ùn tắc giao thông.

Thứ năm, các bến xe phải có đủ diện tích để bố trí kết nối các loại hình phương tiện giao thông công cộng, phục vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách cũng như dự phòng quỹ đất cho việc mở rộng, phát triển trong tương lai.

Trong giai đoạn trước đây, khi tổ chức lập đồ án quy hoạch này cũng từng có ý kiến cho rằng không nên đưa toàn bộ bến xe liên tỉnh ra Vành đai 4 mà cần có kết nối phù hợp tuyến cố định với khu vực tiệm cận trung tâm.

Tuy nhiên, tại Quy hoạch 1218, Hà Nội đã nêu rõ định hướng phát triển đô thị, đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ giữa các đồ án quy hoạch và hướng tới phát triển bền vững nhằm đáp ứng được cả nhu cầu trước mắt lẫn như lâu dài. Việc bố trí các bến xe liên tỉnh ra khu vực đường Vành đai 4 vẫn đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa những đồ án quy hoạch có liên quan.

Đồng thời còn góp phần triển khai có hiệu quả các đề án: tăng cường quản lý phương tiện giao thông; Thu phí để hạn chế xe cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm cao. Nếu không đưa các bến xe liên tỉnh ra khỏi nội thành, việc hạn chế lượng xe cơ giới vào trung tâm TP, giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường sẽ khó đạt hiệu quả như mong muốn.

Trên thực tế, các bến xe khách liên tỉnh như: Mỹ Đình, Giáp Bát…, đang là những “điểm nóng”, nếu không di dời ra khu vực Vành đai 4 sẽ còn gia tăng áp lực ùn tắc giao thông cho đô thị lõi, và gây bức xúc trong dư luận Nhân dân về trật tự đô thị - xã hội.

Định hình lại mạng lưới vận tải

Việc định hướng kết nối các loại hình giao thông công cộng tại các bến xe khách liên tỉnh đã được Quy hoạch 1218 làm rõ, định hướng cụ thể và khả thi. Mọi bến xe liên tỉnh đều được định hướng bám sát Vành đai 4, tạo nên đầu mối vận tải hành khách và hàng hoá trên những trục hướng tâm cửa ngõ; kết hợp với các điểm đầu cuối của hệ thống xe buýt, lại tiệm cận với đường sắt đô thị.

Mặt khác, các bến xe đều được tính toán, đáp ứng nhu cầu đỗ xe công cộng, phục vụ hành khách chuyển đổi từ xe cá nhân sang vận tải công cộng. Vì vậy, có thể khẳng định Quy hoạch 1218 không chỉ đảm bảo giao thông bến nối bến, bến nối trung tâm TP thuận lợi nhất, mà còn hình thành các đầu mối chính, qua đó định hình rõ nét mạng lưới vận tải của TP.

Đối với các bến xe hiện có trong khu vực đường Vành đai 3 gồm: Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, TP sẽ tạm thời giữ lại, tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo trên cơ sở quy mô hiện có. Về lâu dài, các bến này sẽ được thay thế bởi những bến xe theo Quy hoạch 1218 như Đông Anh, Cổ Bi, Nội Bài, Phùng, Bến xe phía Nam...

Đây là bước kế thừa quan trọng của Quy hoạch 1218. Các bến xe Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm khi chuyển đổi thành điểm trung chuyển xe buýt, có bãi đỗ xe công cộng, có xe buýt, đường sắt đô thị kết nối, sẽ hình thành các đầu mối vận tải công cộng quy mô lớn trong trung tâm TP.

Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng các bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận, trạm dừng nghỉ theo Quy hoạch 1218 cần khoản đầu tư rất lớn và dài hơi. Muốn triển khai nhanh chóng, kịp thời Quy hoạch 1218, TP cần có những giải pháp khơi thông nguồn vốn xã hội hoá.

HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 07/2019/NQ - HĐND ngày 10/7/2019, nhằm giải quyết những vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách, tăng tính hấp dẫn, đáp ứng mong mỏi của các nhà đầu tư, đảm bảo tính khả thi cũng như hài hòa lợi ích giữa các bên.

Trong đó phải kể đến một số chính sách nổi bật như ưu đãi về vay vốn, tiếp cận nguồn vốn; ưu đãi về thuê đất, giao đất; lồng ghép một số chức năng dịch vụ tiện ích, thương mại khi đầu tư xây dựng; hỗ trợ thuế nhập khẩu đối với các thiết bị, công nghệ cao; đa dạng đối tượng tham gia đầu tư.

UBND TP cũng đã ban hành Kế hoạch số 63/KH - UBND ngày 24/3/2020 phân công cho các cấp, ngành tổ chức triển khai Nghị quyết số 07/2019/NQ - HĐND, cụ thể hóa các cơ chế chính sách, xây dựng quy trình, hướng dẫn, quy định đảm bảo tính khả thi, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư.

Đối với Quy hoạch 1218, TP cần tiếp tục duy trì công bố danh mục dự án tại các hội nghị xúc tiến đầu tư để kêu gọi nhà đầu tư. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thiện mạng lưới đường giao thông kết nối với các bến xe, đầu mối vận tải. Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết cho nhà đầu tư, hỗ trợ giải phóng mặt bằng nhanh chóng.

Và quan trọng nhất là TP cần xác định rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ tiến độ, rõ hiệu quả của từng cấp, ngành, cá nhân, người đứng đầu trong giải quyết công việc; nâng cao hiệu quả quản lý, rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm để tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy hoạch 1218 cũng như các quy hoạch khác.

 

Quy hoạch 1218 nêu rõ, quỹ đất tại các bến: Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm sẽ được chuyển chức năng ưu tiên cho nhu cầu phục vụ giao thông công cộng và giao thông đô thị. Ví dụ như xây dựng bãi đỗ xe công cộng, điểm trung chuyển xe buýt, trạm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ... cụ thể sẽ được thực hiện theo các dự án riêng được cấp thẩm quyền phê duyệt.