Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch các tuyến phố Hà Nội: Còn nhiều bất cập

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để xử lý tận gốc nhà siêu mỏng, siêu méo, bảo đảm phát triển theo quy hoạch tổng thể, đồng thời tạo bộ mặt văn minh, hiện đại cho các tuyến phố, đường mới mở thì việc lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị hai bên tuyến đường là việc bắt buộc phải được thực hiện trước khi phê duyệt dự án xây dựng tuyến đường.

 Nhà siêu méo xuất hiện trên tuyến phố Đại La sau khi mở rộng thực hiện dự án đường Vành đai 2 trên cao (trái). Ảnh: Vũ Lê

Khó xử lý vì chưa có quy hoạch
Trước yêu cầu của đô thị hóa, Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều dự án cải tạo, mở rộng hai bên, xây dựng những tuyến đường mới. Song có một thực tế cần nhìn nhận là, đường được xây dựng, mở rộng đến đâu thì nhà cửa hai bên được xây dựng san sát đến đó nhưng lại không có một quy tắc trật tự nào. Có những tuyến phố, nhà ống mọc lên quá dày đặc, trong khi có những con đường lại phải oằn mình gánh chi chít cao ốc. Có lẽ, do giá trị “tấc đất, tấc vàng” của ngôi nhà mặt tiền mà những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo, hình tam giác, hình thoi… vẫn bất chấp sự vào cuộc xử lý của chính quyền sở tại, mọc lên nhan nhản trên nhiều tuyến phố mới mở, gây mất mỹ quan đô thị. Có thể kể đến hai bên các tuyến đường mới mở như Nguyễn Văn Huyên kéo dài, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công, Đại La, Trường Chinh...
Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy Vũ Trung Kiên cho biết, sau khi triển khai dự án mở rộng đường Phạm Văn Đồng, trên địa bàn quận đã phát sinh 48 trường hợp nhà đất không đủ mặt bằng xây dựng. Sau khi vận động, hướng dẫn đã có 40 trường hợp thực hiện hợp thửa, hợp khối, bàn giao mặt bằng, hiện vẫn còn 8 trường hợp chưa thực hiện hợp thửa, hợp khối và tồn tại công trình xây dựng trên thửa đất. Tuy nhiên, việc xử lý các trường hợp nhà đất “siêu mỏng”, “siêu méo” rất khó khăn.
“Với chủ trương hợp thửa, không phải hộ nào cũng có điều kiện để mua lại, bởi giá đất mặt đường tăng cao. Nhiều trường hợp không có nhu cầu mua hợp thửa do công trình đã ổn định... Đặc biệt, với các trường hợp không đủ điều kiện xây dựng, quận đang vướng do chưa có quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị hai bên tuyến đường (hiện trên địa bàn quận mới có tuyến Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu có quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường) nên không có căn cứ xử lý thu hồi” - ông Vũ Trung Kiên cho biết.
Vẫn vướng nút thắt giải phóng mặt bằng
Điều 31, Luật Quy hoạch đô thị nêu rõ, việc lập quy hoạch chi tiết trục đường mới trong đô thị phải bảo đảm phạm vi lập quy hoạch mở rộng mỗi bên khoảng 50m. Tại Điều 9, Luật Thủ đô cũng quy định, khi triển khai dự án phát triển đường giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền của TP đồng thời tổ chức thu hồi đất hai bên đường để sử dụng theo quy hoạch. Trên thực tế, trước đây Hà Nội cũng đã quy hoạch theo phương thức này khi nghiên cứu dự án mở đường Trần Khát Chân nhưng do nguồn lực, việc quản lý xây dựng theo quy hoạch lại chưa được kiểm soát chặt chẽ nên cuối cùng mong muốn vẫn chỉ… nằm trên bản vẽ.
Theo đại diện Sở QH - KT Hà Nội, đến nay, TP đã phê duyệt một số đồ án quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, trong đó tuân thủ phạm vi lập quy hoạch mở rộng mỗi bên khoảng 50m. Song thực tế đến nay chưa có tuyến đường nào thực hiện việc thu hồi đất hai bên đường đồng thời với dự án mở đường. Lý do là rất khó khăn trong công tác GPMB và bố trí nguồn kinh phí của dự án (đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách). Bên cạnh đó, quá trình triển khai gặp nhiều sự phản đối, khiếu kiện của người dân sinh sống hai bên đường dẫn đến làm chậm cả quá trình mở đường. Ngoài những khó khăn khi triển khai thực hiện theo quy hoạch, việc thực thi theo đồ án thiết kế đô thị cũng chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu do TP không đủ kinh phí để triển khai đồng bộ, trong khi người dân, DN chưa tham gia tích cực.
Để xây dựng đô thị văn minh, chấm dứt tình trạng lộn xộn trong kiến trúc mặt phố rất cần quy hoạch đồng bộ tuyến đường và dải đất hai bên đường. TS.KTS Trần Minh Tùng (Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, Hà Nội nên học cách làm thành công của TP Đà Nẵng. Khi mở đường, thay vì GPMB đến chân chỉ giới đường đỏ, TP Đà Nẵng thực hiện quy hoạch mở rộng vệt giải tỏa khi thu hồi đất dọc hai bên đường. Điều này giúp chính quyền có điều kiện chỉnh trang đô thị, hạn chế bất công khi những hộ gia đình ở sau, khi quy hoạch được ra mặt tiền một cách tự nhiên. Cùng với đó, điều này tạo ra quỹ đất vàng trong kêu gọi đầu tư, bán đấu giá xây dựng các khu thương mại, dịch vụ với giá cao giúp TP có nguồn thu lớn cho ngân sách, tạo điều kiện đầu tư các công trình phúc lợi xã hội khác. “Với phương án này hoàn toàn có thể giải được bài toán mỹ quan đô thị, những gì lộm nhộm được đẩy về phía sau mặt tiền mỗi con đường để xử lý” - TS.KTS Trần Minh Tùng nêu.
Hiện, Sở QH - KT đã cho rà soát lại toàn bộ các quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường. Đối với những tuyến đường mới mở, quỹ đất còn nhiều thì việc lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường chắc chắn sẽ thực hiện. Còn đối với những tuyến đường hiện hữu, người dân đã ở ổn định hai bên, không còn quỹ đất sẽ chuyển sang đề án chỉnh trang cải tạo, thiết kế đô thị và quản lý theo quy chế kiến trúc.
Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh