Theo đó, tổng diện tích đất trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch (toàn bộ địa giới hành chính của huyện Thường Tín) khoảng 12.738,64 ha, trong đó: Đất khu vực đô thị (thị trấn Thường Tín, một phần của các phân khu đô thị S5, GS, GS(A), sông Hồng và một phần đô thị vệ tinh Phú Xuyên) khoảng 3.599,09 ha; đất khu vực nông thôn khoảng 9.139,55 ha.
Dự báo dân số tối đa huyện Thường Tín đến năm 2030 khoảng 287.000 người, trong đó: Dân số đô thị khoảng 117.000 người; dân số nông thôn khoảng 170.000 người.
Thị trấn Thường Tín là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Thường Tín. Thị trấn Thường Tín là đô thị cải tạo kết hợp xây dựng mới, do đó: Khu vực hiện có sẽ cải tạo nâng cấp và bổ sung cơ sở hạ tầng; khu vực phát triển mới sẽ xây dựng đồng bộ hạ tầng cơ sở theo tiêu chuẩn đô thị hiện đại.
Thị trấn Thường Tín.
|
Trục không gian cảnh quan hai bên quốc lộ 1A bố trí một số không gian cây xanh lớn kết hợp mặt nước điều hòa để xây dựng công viên phục vụ vui chơi giải trí cho đô thị, đồng thời tạo cảnh quan đẹp cho trục đường, bổ sung quỹ đất bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ dân cư địa phương.
Về không gian khu dân cư nông thôn phát triển theo đặc trưng riêng của nông thôn trong Thủ đô về mọi phương diện; phát triển cân bằng, hài hòa giữa đô thị và nông thôn, hạn chế phân hóa giàu nghèo. Từng bước dịch chuyển nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất hàng hóa chất lượng cao, cung ứng sản phẩm cho nhu cầu Thủ đô; phát triển và bảo tồn các giá trị cảnh quan, lối sống, di sản, di tích trong vùng nông thôn, khắc phục các vấn đề môi trường.
Mô hình nông thôn huyện Thường Tín chuyển từ cấu trúc làng xã theo địa hình tự nhiên sang cấu trúc “Phát triển có kiểm soát theo các khu vực đặc thù” bảo vệ đất nông nghiệp; cung cấp đủ các hạ tầng thiết yếu và các dịch vụ khác giúp làng xã phát triển linh hoạt trong tương lai.
Quy hoạch chung xây dựng huyện Thường Tín nhằm khai thác và phát huy các lợi thế, cơ hội, định hướng phát triển không gian các vùng chức năng tổng hợp, chuyên ngành cho toàn huyện bao gồm công nghiệp, đô thị, trung tâm chuyên ngành, đầu mối hạ tầng, nông nghiệp, du lịch, sinh thái, bảo tồn trên nền tảng điều kiện hiện trạng, tiềm năng phát triển, đảm bảo phát triển bền vững, năng động, hiệu quả. Đây làm cơ sở tổ chức lập các quy hoạch và dự án đầu tư; các dự án ưu tiên và nguồn lực thực hiện; kiểm soát phát triển và quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt…
Thường Tín là một huyện nằm phía nam của thành phố Hà Nội, có diện tích là 127,59 km2 và dân số hiện khoảng 240.000 người. Hiện nay Thường Tín có 1 thị trấn và 28 xã, có hệ thống đường giao thông thuận lợi với hai tuyến đường bộ chạy dọc huyện là quốc lộ 1A dài 17,2 km và đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 17 km đến cầu Vạn Điểm đoạn giao cắt với đường 429 (73 cũ); chạy ngang huyện là tuyến đường tỉnh lộ 427 (đường 71 cũ) từ dốc Vân La (Hồng Vân) qua cầu vượt Khê Hồi đến TT Thường Tín sang phía tây huyện và tỉnh lộ 429 (73 cũ)từ Thị trấn Phú Minh (Phú Xuyên) qua gầm cầu vượt Vạn Điểm đến Ngã 3 Đỗ Xá giao với quốc lộ 1A cũ. Trên địa bàn huyện có tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua với 2 nhà ga là ga Thường Tín và ga Tía. Đường thủy có sông Hồng, với cảng Hồng Vân, cảng Vạn Điểm. Qua sông đi Tứ Dân, Khoái Châu, Phố Nối và Thành phố Hưng Yên