PGS.TS Võ Văn Minh cho rằng, quy hoạch tỉnh thực chất là sắp xếp lại không gian và phân bổ nguồn lực hợp lý nhằm tận dụng thời cơ để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời vẫn duy trì được nhịp độ cho các thời kỳ sau cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng. Do vậy, khi thiết kế không nên chỉ “nhìn tới” mà còn phải “nhìn lại”, cũng cần nhìn rộng và nhìn xa hơn chứ cũng không nên gói gọn trong không gian một tỉnh với một thời kỳ 10 hay 20 năm. Những bất cập, tồn tại thậm chí sai lầm của giai đoạn trước, cần hết sức lưu tâm để ngẫm lại cách tiếp cận và cách làm hôm nay.
“Nguyên tắc đầu tiên của báo cáo quy hoạch phải thể hiện được tính tường minh, từ quan điểm đến cách thể hiện. Rất mừng là quy hoạch lần này đã được lấy ý kiến rất nhiều bên liên quan qua các diễn đàn khác nhau. Quan trọng là cách tiếp thu, chọn lọc và căn bản là đảm bảo tường minh từ trong tư tưởng làm quy hoạch”, PGS.TS Võ Văn Minh bày tỏ.
Ngoài sự tường minh, quy hoạch cũng phải đảm bảo tính chất “thuận thiên”, tức là dựa vào thiên nhiên, vận theo quy luật tự nhiên để sắp xếp không gian, đảm bảo “văn hoá là nền tảng”, đảm bảo đúng thế mạnh kinh tế, đảm bảo “an cư lạc nghiệp”, đảm bảo giao thông “tuần hoàn” và đảm bảo mục tiêu phát triển con người.
Liên quan đến quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi, TS Nguyễn Thanh Trọng - trường Đại học Kinh tế Luật TP Hồ Chí Minh cho rằng, một trong các điểm nghẽn phát triển của Quảng Ngãi là kết nối hạn chế dù nằm trong trục Bắc - Nam. Giao thông chủ yếu đường bộ và đường sắt, đường biển kém vì chưa có cảng quốc tế, hàng không thì kết nối qua sân bay Chu Lai.
“Cần hình thành hạ tầng đến cảng biển quốc tế, sân bay quốc tế cho thuận lợi, chất lượng, rút ngắn thời gian. Kết nối hạ tầng sẽ giải được nhiều điểm nghẽn trong phát triển của Quảng Ngãi”, TS Nguyễn Thanh Trọng nói.
Trăn trở với việc phát triển Lý Sơn, TS Nguyễn Thanh Trọng mong muốn nhóm dự thảo cân nhắc việc xây đường sắt, lấn biển..., mục tiêu là phát triển Lý Sơn thành đảo du lịch nhưng vẫn bảo tồn văn hóa, bảo tồn sinh kế người dân, phù hợp khí hậu tự nhiên.
Góp ý với quy hoạch, ông Cao Chư - nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, đồ án còn nhiều hạn chế cần được khắc phục như chưa đánh giá sát hình hình văn hóa và tiềm năng phát triển du lịch, chưa đánh giá đúng mức sự hủy hoại môi trường và những tác hại đã có của nó, sự ảnh hưởng nghiêm trọng của nó đến sinh tồn. Ngoài ra, đồ án cũng chưa có các dánh giá, dự lường tác hại to lớn của biến đối khí hậu toàn cầu để có giải pháp ứng phó.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh còn tham gia đóng góp nhiều ý kiến vào quy hoạch Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong các lĩnh vực về kinh tế, công nghiệp và bảo vệ môi trường, đảm bảo quy hoạch khả thi và không bó buộc, ảnh hưởng đến việc phát triển, mục tiêu hướng đến tăng trưởng bền vững, ổn định, mang lại lợi ích nhiều hơn cho người dân.