Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch để phát triển kinh tế đô thị: Tối ưu hóa phân bổ không gian

Thuỳ Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm qua, các hoạt động kinh tế tại khu vực đô thị có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế Thủ đô. Tuy nhiên, các kết quả phát triển kinh tế đô thị cho thấy chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của TP.

Để phát huy tối đa tiềm năng của kinh tế đô thị, giúp bứt tốc kinh tế Thủ đô theo các mục tiêu đề ra đồng thời góp phần quan trọng trong phát triển đô thị Hà Nội xanh, văn minh, hiện đại thì công tác quy hoạch đô thị phải gắn kết chặt chẽ, tạo điều kiện cho kinh tế đô thị phát triển.

Chưa tương hỗ phát triển

Quy hoạch xây dựng đô thị và phát triển kinh tế đô thị có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Quy hoạch hay đầu tư xây dựng đô thị phải tính đến việc phát triển kinh tế đô thị và ngược lại, phát triển kinh tế đô thị phải chú ý đến những yêu cầu của quản lý và phát triển đô thị.

Một góc khu vực phía Tây TP Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Một góc khu vực phía Tây TP Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Tuy nhiên, tại Hà Nội, thời gian qua, mối quan hệ tương hỗ đa chiều này lại chưa được phát huy, việc quy hoạch và triển khai quy hoạch nhằm khai thác tối đa lợi thế về một Thủ đô ngàn năm văn hiến để phát triển kinh tế đô thị chưa được thực hiện hiệu quả. Rõ nét nhất là xây dựng quy hoạch chưa tối ưu phân bổ không gian để phát triển và quản lý các loại hình kinh tế đô thị như kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số…

PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn (trường ĐH Kinh tế Quốc dân) nêu, thời gian qua, TP Hà Nội đã có những sự thay đổi để khai thác tiềm năng của kinh tế đêm, tuy nhiên việc quy hoạch không gian cho loại hình kinh tế này còn nhiều bất cập. Cụ thể, do thiếu quy hoạch nên nhiều cơ sở kinh doanh ban đêm đều gần sát các khu dân cư, nhiều nhà hàng, cà phê có sử dụng âm nhạc công suất lớn (quán bar) nằm ngay trong khu dân cư, gây ảnh hưởng tiếng ồn đến đời sống Nhân dân khu vực xung quanh.

“Từ thực tế hiện nay, cần quy hoạch riêng các khu kinh tế ban đêm không quá xa trung tâm, đảm bảo có sự kết nối với trung tâm đô thị nhưng không ảnh hưởng đến người dân” - PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn đề xuất.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn, thiếu quy hoạch đồng bộ và rõ ràng, nên các phố đi bộ thiếu chương trình văn hóa nghệ thuật, tình trạng mua bán hàng rong chèo kéo, chặt chém du khách, tình trạng xả rác bừa bãi đã làm ảnh hưởng xấu đến môi trường. Vì không được quy hoạch một cách bài bản nên nhiều tuyến phố trở nên hỗn loạn. Hàng quán tràn ra lòng đường, chiếm diện tích trong khi những con phố rộng hơn, thích hợp làm dịch vụ, thì lại trống trơn.

Là một trong 4 quận nội đô lịch sử, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định chia sẻ, hiện nay, trên địa bàn quận có 195 DN Nhà nước, khoảng 14.000 DN khu vực ngoài Nhà nước, 196 DN có vốn đầu tư nước ngoài và trên 11.000 hộ kinh doanh đang hoạt động.

Quận đã thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng nhiều trung tâm thương mại - dịch vụ, phát triển chuỗi cửa hàng tiện ích, siêu thị hiện đại, phát triển nhiều tuyến phố chuyên doanh các sản phẩm tiêu dùng cao cấp, nâng cao chất lượng và phục vụ ngày càng tốt hơn cuộc sống của Nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế đô thị chưa đồng đều và chưa tương xứng với tiềm năng của quận. Đó là công tác thực hiện quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông, cải tạo, chỉnh trang đô thị còn chậm, thiếu nguồn lực về đất đai, thiếu các mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, các khu vực, tuyến phố đi bộ và những loại hình kinh doanh mới gắn với đặc thù đô thị.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội nhìn nhận, công tác phát triển kinh tế đô thị gắn liền với chỉnh trang, phát triển đô thị của TP còn hạn chế. Ngành dịch vụ - thương mại đã được quan tâm, tuy nhiên phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô; chưa phát huy lợi thế của nguồn lực về đất đai, thị trường bất động sản.

Đặc biệt, quy hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh với chức năng riêng biệt như công nghiệp, công nghệ cao, y tế, giáo dục là những ngành quan trọng để phát triển kinh tế đô thị chưa được hình thành. Phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ chưa đạt tiến độ, tính đồng bộ của hệ thống hạ tầng đô thị còn chưa cao…

Quy hoạch cần đi trước một bước

Theo giới chuyên gia, để phát triển kinh tế đô thị cần được quan tâm đồng bộ các lĩnh vực, ngành song trong đó rất cần công tác quy hoạch đi trước một bước và hoàn thiện hệ thống thể chế phát triển quản lý đô thị.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho hay, hiện nay, TP đang tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030 theo hướng tích hợp. Đây không chỉ đổi mới trong công tác quy hoạch mà còn là điều kiện thuận lợi để phát huy yếu tố kinh tế đô thị trong quy hoạch để xác định những ngành, lĩnh vực mũi nhọn quan trọng của TP phù hợp với điều kiện và thực tiễn. Đây cũng là một trong các mục tiêu của đồ án quy hoạch mới nhằm hài hòa giữa phát triển kinh tế bền vững với tạo lập diện mạo thủ đô xanh, văn minh, hiện đại, với phát trriển văn hóa, con người, đảm bảo quốc phòng an ninh, an sinh xã hội, nâng cao mức sống của người dân.

Nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, TS Lê Văn Hoạt cho rằng, để phát huy hiệu quả trong xây dựng đô thị, tổ chức đời sống của cư dân đô thị và phát triển kinh tế đô thị, cần rà soát lại quy hoạch xây dựng, nhất là việc phân bố và tổ chức không gian phát triển công nghiệp và dịch vụ.

Đặc biệt, việc quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên kết là yếu tố quan trọng. Trong đó cần tập trung và ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khung, trục giao thông liên kết trong vùng Thủ đô, liên kết đô thị trung tâm đến các huyện, hệ thống cầu qua sông Hồng; các tuyến giao thông kết nối với khu vực phía Nam và Tây Nam TP. Phát triển hệ thống giao thông công cộng, hệ thống bến bãi đỗ xe, trạm trung chuyển.

Về cơ chế khai thác nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế đô thị, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, PGS.TS Trần Kim Chung đưa ra khuyến nghị, để phát triển kinh tế đô thị thành công, cần có những điều kiện để thực hiện.

Trong đó yếu tố quan trọng là quy hoạch đất đai. Phải có quy hoạch tổng thể, đồng bộ các địa bàn có nhu cầu huy động nguồn lực đất đai thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tất thảy mọi hoạt động liên quan đến đất đai, đặc biệt với thu hồi, cần dựa vào một yếu tố quan trọng bậc nhất đó là quy hoạch được phê duyệt. Đây có thể coi là điều kiện tiên quyết trong chu trình tạo quỹ đất phục vụ thu hút nguồn lực để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

"Để thực hiện yêu cầu phát triển kinh tế đô thị, cần xác định tồn tại, bài học kinh nghiệm trong thời gian qua. Từ đó phát hiện đột phá đổi mới của mô hình kinh tế đô thị (kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn…), các mô hình không gian của kinh tế đô thị (tuyến phố đi bộ, công trình đa chức năng…) để kiến nghị điều chỉnh bổ sung trong quy hoạch chung cho giai đoạn tới." - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm