Theo kết quả nghiên cứu do Viện Y tế Toàn cầu Barcelona (ISGlobal) thực hiện gần đây, môi trường, không gian xanh và tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị có thể ảnh hưởng đến chức năng nhận thức và vận động ở trẻ em.
Dự án HELIX châu Âu, do ISGlobal điều phối, đã tiến hành nghiên cứu tác động từ việc tiếp xúc môi trường đối với chức năng nhận thức và vận động của gần 5.500 trẻ em tại ở 7 thành phố ở châu Âu, gồm vùng Bradford (Anh), Nancy và Poitiers (Pháp), Gipuzkoa, Sabadell và Valencia (Tây Ban Nha) và Heraklion (Hy Lạp).
Theo những nghiên cứu trước đây, quá trình tiếp xúc với môi trường đô thị, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm không khí, có thể tác động đến việc phát triển thần kinh của trẻ ngày từ khi còn trong bào thai. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây đã không đánh giá tác động của quá trình phơi nhiễm bằng cách sử dụng phương pháp tiếp cận exposome (hệ môi trường), xét tổng thể của các lần phơi bày thay vì tập trung vào một điểm duy nhất. Cách tiếp cận này nhằm mục đích hiểu rõ hơn về sự phức tạp của việc tiếp xúc nhiều lần trong đầu đời với môi trường và tác động đồng thời của chúng đối với sự phát triển thần kinh của trẻ.
Nghiên cứu mới vừa được đăng trên tạp chí Môi trường Quốc tế đã phân tích mức độ ảnh hưởng từ quá trình tiếp tục với môi trường đô thị đối với trẻ từ khi còn trong bào thai đến 3 tuổi. Các yếu tố được nghiên cứu bao gồm môi trường xây dựng (mật độ xây dựng, hạ tầng cơ sở…), không gian tự nhiên và ô nhiễm không khí do NO2 và vật chất dạng hạt mịn (PM2.5). Nhóm nghiên cứu thực hiện đánh giá ảnh hưởng từ môi trường đô thị đối với chức năng nhận thức và vận động của trẻ từ 4-5 tuổi.
Theo kết quả nghiên cứu của ISGlobal, các vấn đề như quy hoạch đô thị, không gian đô thị và tình trạng ô nhiễm không khí đều có tác động đến chức năng nhận thức và vận động của trẻ 5 tuổi. Cụ thể, nếu người mẹ lúc mang thai sống tại khu vực nhiều không gian xanh sẽ giúp trẻ có khả năng nói cao hơn. Ngược lại, khả năng nói của trẻ sẽ thấp hơn nếu lúc mang thai người mẹ sống tại khu đô thị có mật độ giao thông cao.
“Đây là nghiên cứu đầu tiên của chúng tôi về những tác động tiêu cực của môi trường đô thị đối với khả năng ngôn từ của trẻ em”, nhà nghiên cứu Anne-Claire Binter của ISGlobal- trưởng nhóm nghiên cứu, nhận xét.
Theo nghiên cứu, các vấn đề như quy hoạch đô thị, không gian đô thị và tình trạng ô nhiễm không khí đều có tác động đến chức năng nhận thức và vận động của trẻ em. |
Về vấn đề ô nhiễm không khí, kết quả nghiên cứu cho biết, việc tiếp xúc nhiều hơn với PM2.5 trong thời kỳ mang thai cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng vận động của trẻ sau này.
Nghiên cứu cũng xác nhận mức độ ảnh hưởng của tình trạng ô nhiễm không khí đối với kỹ năng nói của trẻ em. “Chính vì vậy, chúng ta cần tạo một không gian đô thị lành mạnh hơn để giúp trẻ em phát triển chức năng nhận thức và vận động”, điều phối viên nghiên cứu Mònica Guxens, Giám đốc dự án Môi trường và Tuổi thơ của INMA- thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Theo nhà nghiên cứu Mònica Guxens, bên cạnh việc xây dựng không gian xanh, các nhà quy hoạch đô thị cũng cần giảm thiểu những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng nhận thức của trẻ em, như ô nhiễm không khí, quá tải giao thông…“Việc quy hoạch đô thị cần dành ưu tiên cho vấn đề sức khỏe của người dân, đặc biệt là nhóm tuổi dễ bị tổn thương nhất, như trẻ em” - chuyên gia Guxens kết luận.