Nghiên cứu được dẫn dắt bởi ông Dar Meshi, phó giáo sư Khoa Quảng cáo và Quan hệ công chúng kiêm giám đốc Phòng thí nghiệm Truyền thông xã hội và Thần kinh học tại Đại học Michigan, cùng các cộng sự từ Đại học Lisbon (Bồ Đào Nha). Kết quả của nó được công bố trên tạp chí Nature Cities, cho thấy hệ thống khen thưởng trong não có thể định hình cách con người tương tác với môi trường đô thị.
Phó giáo sư Meshi và các cộng sự đã sử dụng phương pháp "đô thị thần kinh" (neurourbanism), một lĩnh vực mới tập trung vào việc đo lường hoạt động não để hiểu tác động của môi trường đô thị đến hành vi con người. Công cụ chính được sử dụng là chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI), có khả năng phát hiện những thay đổi về nồng độ oxy trong máu để xác định các vùng não hoạt động.
Nhóm nghiên cứu tập trung vào vùng vỏ não trước trán giữa (vmPFC), một phần quan trọng của hệ thống khen thưởng trong não người liên quan đến việc đánh giá và ra quyết định. Nghiên cứu trước đây đã chứng minh vmPFC có thể dự đoán nhiều hành vi của con người, từ lựa chọn thực phẩm đến quyết định đầu tư.
Trong thí nghiệm, 77 người Mỹ chưa từng đến Lisbon được yêu cầu xem và đánh giá các bức ảnh về môi trường đô thị của thành phố này trong khi được quét não bằng fMRI. Các bức ảnh đều được lấy từ trang mạng chia sẻ ảnh trực tuyến Flickr và được gắn thẻ địa lý, cho phép đo lường xu hướng về địa điểm ghé thăm của những người tham gia thí nghiệm.
Kết quả thí nghiệm cho thấy hoạt động thần kinh trong vmPFC có thể dự đoán xu hướng thăm viếng của mọi người khi đến và đi khỏi một môi trường cụ thể. Điều thú vị là sự thu hút của một địa điểm không chỉ dựa trên yếu tố thẩm mỹ, mà còn phụ thuộc vào giá trị văn hóa-xã hội của nó. Nói cách khác, những nơi có ý nghĩa lịch sử hoặc văn hóa quan trọng vẫn có thể thu hút người tham quan dù không nhất thiết có giá trị nghệ thuật cao.
Theo Ardaman Kaur, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tham gia dự án, những hiểu biết này có thể góp phần phát triển các thành phố lấy con người làm trung tâm trong tương lai. Bằng việc hiểu cách não bộ cảm nhận và tương tác với môi trường đô thị, các nhà quy hoạch có thể thiết kế không gian công cộng và cơ sở hạ tầng phù hợp hơn với nhu cầu của con người.
Trong bối cảnh đô thị hóa toàn cầu đang diễn ra nhanh chóng, với tỷ lệ dân số sống ở khu vực đô thị tăng mạnh từ 33% năm 1960 lên 57% năm 2023, việc quy hoạch và thiết kế đô thị hiệu quả trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Dù các khu vực đô thị mang lại nhiều lợi ích như cơ hội giáo dục, việc làm tốt hơn, dịch vụ y tế tiên tiến và hoạt động văn hóa đa dạng, quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng tạo ra những thách thức đáng kể. Thiếu không gian xanh, ô nhiễm tiếng ồn và bất bình đẳng xã hội là những vấn đề cấp thiết cần được giải quyết thông qua các chiến lược phát triển bền vững.
Phó giáo sư Meshi tin rằng, việc kết hợp nghiên cứu của ông vào quy hoạch đô thị có thể mở ra triển vọng mới trong việc thiết kế các thành phố thông minh, nơi các quyết định quy hoạch được đưa ra dựa trên hiểu biết sâu sắc về cách con người tương tác với môi trường xung quanh.
Nghiên cứu này cũng đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc áp dụng khoa học thần kinh vào quy hoạch đô thị, hứa hẹn tạo ra các thành phố không chỉ hiện đại và hiệu quả mà còn thân thiện và phù hợp hơn với cách thức hoạt động tự nhiên của bộ não con người. Kết quả nghiên cứu có thể được ứng dụng rộng rãi trong việc thiết kế không gian công cộng, quy hoạch giao thông và phát triển các dịch vụ đô thị trong tương lai.