70 năm giải phóng Thủ đô

Quy hoạch hai bên bờ sông Hồng: “Mỏ vàng” mới để Hà Nội phát triển

GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ý tưởng về quy hoạch sông Hồng gắn với những khu đô thị văn minh, hiện đại đã từng được đề cập gần 20 năm trước. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, những siêu dự án TP ven sông Hồng không được thực hiện. Lần này, Hà Nội cần đặt quyết tâm biến chủ trương thành hành động cụ thể, thực hiện dứt điểm công tác quy hoạch vùng đất hai bên bờ sông Hồng.

Bài toán bắt buộc phải giải
Điểm quan trọng đầu tiên là chúng ta phải khơi thông về tư duy rằng thực hiện quy hoạch hai bên bờ sông Hồng là một việc buộc phải làm đối với Hà Nội. Nói như vậy bởi, đất đai hai bên sông Hồng đang được sử dụng rất “mất trật tự”, lấn chiếm, xóm liều, xã hội đen, xây nhà ở trái pháp luật trên đất bãi ven sông. Bên cạnh đó, có những diện tích đất đã được các cơ quan quản lý cho phép trở thành đất đô thị gắn với nhà tập thể, cơ sở sản xuất, dịch vụ, nhà dân có “sổ đỏ”. Từ góc nhìn tài sản, đất đai giữa hai con đê sông Hồng thực sự là một “mỏ đất vàng” mà Hà Nội cần phải quyết tâm vượt qua những khó khăn, thách thức, có biện pháp khai thác hợp lý phục vụ phát triển đô thị, kinh tế, du lịch và bảo vệ môi trường.

Khi thực hiện quy hoạch vùng đất hai bên sông Hồng, TP cần cải tạo chuyển đất nông nghiệp một số nơi trở thành đất đô thị, tạo dựng những khu đô thị mới, khu dịch vụ mới hiện đại, đồng bộ. Bên cạnh những khu đô thị mới, cần tính đến chuyện nâng cấp các khu dân cư cũ đã xuống cấp nghiêm trọng. Tổng quan lại, dải đất gắn với sông Hồng cần quy hoạch phát triển theo hướng chỗ nào là không gian mở cho môi trường sinh thái phát triển, chỗ nào là khu dân cư đô thị, chỗ nào là khu dịch vụ cho phát triển du lịch sông Hồng, chỗ nào là hạ tầng đô thị để tạo dựng một hệ sinh thái đô thị phát triển.

Ở đây, hoàn toàn có thể phối hợp được vẻ đẹp tự nhiên của cảnh quan sông nước với bàn tay con người tạo ra cảnh quan khác biệt của những cây cầu ngang sông, dọc sông, của những bến nước, mặt phố, ánh sáng... Nếu quy hoạch tốt sẽ tạo ra hệ sinh thái đô thị xanh có cảnh quan khác biệt. Những khu vui chơi, công viên xanh, du lịch xanh không chỉ tạo được không gian kinh tế mật độ cao. Đây cũng là giải pháp cải thiện môi trường sống cho người dân TP, đồng thời cũng là nơi tạo ra nhiều việc làm cho người dân Hà Nội.

Một vấn đề mà khi nghiên cứu lập quy hoạch sông Hồng mà TP cần tính đến là di dân ở khu vực lòng sông. Ở khu vực này hiện nay dân cư được chia thành nhiều nhóm. Có nhóm là dân tứ xứ đến lấn chiếm đất bãi sông Hồng để cư ngụ không chính thức, cũng có nhóm Nhà nước bố trí định cư từ nhiều năm trước... Do vậy, GPMB để thực hiện quy hoạch là bài toán khó khăn. Tuy nhiên, đây là bài toán dứt khoát phải giải quyết gắn với quy hoạch phát triển. Khi lập quy hoạch sẽ phải dự tính bài toán nguồn lực đất đai để tái định cư tại chỗ.

Nguồn lực từ quỹ đất

Nguồn lực hiện thực hóa quy hoạch này cũng là một vấn đề quan trọng phải đặt ra. Trong những năm trước, nhiều ý kiến cho rằng TP ven sông Hồng là một ý tưởng rất độc đáo nhưng lấy tiền đâu ra để thực hiện. Ngân sách Nhà nước thì eo hẹp, chắc chắn không đủ. Giải pháp ở nhiều nơi đã làm là lấy giá trị đất đai tăng thêm khi chuyển từ đất bãi bồi thành đất vàng đô thị. Đà Nẵng đã phát triển được một TP hiện đại từ một TP xác xơ sau chiến tranh chỉ bằng giá trị đất đai tăng thêm do đầu tư hạ tầng mang lại, không sử dụng bất kỳ đồng ngân sách nào. Đô thị càng phát triển thì giá đất càng tăng thêm. Hà Nội nên tính đến kinh nghiệm phát triển đô thị chỉ từ vốn hoá đất đai của Đà Nẵng để áp dụng cho phát triển đô thị ven sông Hồng.

Hiện nay, khu vực ven sông Hồng chủ yếu vẫn nguyên thủy là đất bãi bồi ven sông, việc chuyển thành đất đô thị sẽ mang lại giá trị tăng thêm rất cao. Đất chưa sử dụng hoặc đang tạm sử dụng vào mục đích nông nghiệp chuyển thành đất vàng đô thị có tính hấp dẫn đặc biệt.

Khó khăn, trở ngại và quyết tâm

Điều khó khăn nhất vẫn là ý kiến nhiều chiều về thoát lũ sông Hồng hay trị thuỷ sông Hồng. Sông Hồng vốn được mệnh danh là có lũ hung dữ. Những năm xưa, mùa nước lũ luôn mang tới lo lắng vỡ đê đe dọa các khu dân cư nông thôn và đô thị. Ngày nay, nước có vẻ ít hơn, lũ cũng ít hơn nhưng cũng không ai biết lũ chu kỳ thế kỷ sẽ ra sao, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Phát triển đô thị chắc chắn sẽ phá vỡ tư duy trị thủy xưa dùng không gian trống bãi sông để thoát lũ. Mặc dù khó nhưng chịu khó tư duy chúng ta sẽ tìm ra những lời giải hay.

Để có một bản quy hoạch tốt về vùng đất hai bên sông Hồng, Hà Nội cần huy động và tận dụng cao nhất lượng chất xám, tri thức của những chuyên gia am hiểu về sông Hồng, về Hà Nội. Chúng ta bắt đầu tư duy, tìm giải pháp quy hoạch, giải pháp đất đai, giải pháp nước và thoát lũ và cuối cùng là giải pháp tài chính. Để sao cho tập trung đưa ra một lời giải tích cực nhất về vấn đề này càng sớm càng tốt, Hà Nội phải bắt đầu và không xếp hồ sơ lại khi gặp những ý kiến trái chiều. "Không có việc gì khó", sông Hồng đâu phải là trở lực không thể vượt qua.
Sông Hồng không chỉ mang lại cảnh quan cho Hà Nội mà đây là một con sông còn mang yếu tố quan trọng về phong thủy cho TP. Do vậy, dựa vào sông Hồng để phát triển là một điều rất tuyệt vời đối với Hà Nội. Bên cạnh đó, nói về mặt địa kinh tế thì ai cũng thấy khu đô thị ven sông Hồng là một nguồn lực lớn cho phát triển BĐS đô thị nhưng rất tiếc rằng nhiều diện tích đất lại đang để hoang hóa hoặc bị sử dụng không đúng mục đích và không hiệu quả.