Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch nông nghiệp Thủ đô theo hướng đô thị, sinh thái

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 1/8, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức hội thảo về quy hoạch nông nghiệp Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự và chỉ đạo có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải.

Báo cáo về đề xuất của nhóm tư vấn về nông nghiệp, GS.TS Hoàng Văn Cường -Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân – đại diện Liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô cho biết, phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng cơ cấu lại ngành, phù hợp và là một bộ phận cấu thành có quan hệ hữu cơ với các ngành, lĩnh vực khác trong quy hoạch Thủ đô. Phát triển trên cơ sở phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử trong đó có lợi thế lớn nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải phát biểu tại hội nghị
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải phát biểu tại hội nghị

Trên cơ sở nghiên cứu hiện trạng phát triển, lợi thế phát triển, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, nông nghiệp của Hà Nội phải khác với các địa phương khác, nên cần định hướng phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp trải nghiệm kết hợp với du lịch, sinh thái…

Theo đó, nông nghiệp sinh thái giải quyết lao động, thu nhập cho lực lượng lớn dân cư đô thị và ven đô; tạo cảnh quan,  bảo vệ môi trường sinh thái. Xác định các mô hình thích hợp cho từng khu vực khác nhau như: Đô thị hoa ở Mê Linh, đào quất Tứ Liên, hoa Tây Tựu… Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao thông minh Hà Nội dự kiến xây dựng 8 khu nông nghiệp công nghệ cao để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư.

“Đối với lĩnh vực thủy lợi, cần làm sống lại các dòng sông trên địa bàn thành phố Hà Nội, tạo ra giá trị về cảnh quan và dịch vụ. Khai thác hai bên sông Hồng, phát triển thành các dịch vụ thương mại trên hai bờ sông, nhưng không ảnh hưởng đến dòng chảy. Vấn đề lâm nghiệp của Hà Nội sẽ là “lá phổi xanh” cho Thủ đô, lâm nghiệp của Hà Nội không chỉ là rừng mà còn là trồng cây lâm nghiệp để mở rộng vùng trồng cây xanh…” - ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Các đại biểu tham gia đóng góp tại hội nghị
Các đại biểu tham gia đóng góp tại hội nghị

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, ngành nông nghiệp đóng góp 2% GDP của thành phố, có 17 huyện và 1 thị xã có phát triển nông nghiệp. Do đó, quy hoạch ngành nông nghiệp trong thời gian tới vô cùng quan trọng, đánh giá toàn bộ hiện trạng của nông nghiệp, từ đó để xác định nuôi con gì, trồng cây gì, từng vùng phù hợp với loại cây trồng vật nuôi là gì? Hà Nội phấn đấu trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, sinh thái trải nghiệm; đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao…

Góp ý vào đề cương quy hoạch phát triển nông nghiệp Thủ đô, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho biết thêm, Sở đã có 11 báo cáo về quy hoạch gửi các ngành có liên quan, các sản phẩm chủ lực của nông nghiệp Hà Nội đều có cụ thể đến từng xã, đây là cơ sở dữ liệu cho bên tư vấn, để đưa vào phương án phát triển nông nghiệp. Trên cơ sở đề cương hôm nay, các đơn vị tư vấn cập nhật từng mục tiêu, phương án cụ thể, thì ngành nông nghiệp và các địa phương mới thực hiện hiệu quả. Lĩnh vực nông thôn, làng nghề thì chưa rõ nên các đơn vị tư vấn cần chỉnh sửa; phải có lộ trình, mang tính chất khai quát. Trên cơ sở mục tiêu, tầm nhìn đến năm 2030 để các địa phương mới có cơ sở để làm.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội  Hà Nội Lê Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội  Hà Nội Lê Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị

Không gian phát triển nông nghiệp Hà Nội chia ra theo 4 khu vực: Khu vực trong nội đô; khu vực vành đai 4 tạo cảnh quan không gian môi trường sinh thái hài hoà cho đô thị, giữ gìn văn hoá văn hiến nông nghiệp; khu vưc trong phạm vi 5 đô thị vệ tinh gắn liền với nhiều cảnh quan, di tích lịch sử văn hoá; các khu vực trọng điểm phát triển nông nghiệp tại một số huyện ngoại thành.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội  Hà Nội Lê Ngọc Anh cho biết, buổi hội thảo đã bàn thảo, tập hợp được những vấn đề mang tính gợi mở về phát triển nông nghiệp Thủ đô. Qua đó để các Sở, ngành, cơ quan đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến, hoàn thành dự thảo quy hoạch của ngành nông nghiệp tốt nhất. Viện sẽ phối hợp cùng Sở NN&PTNT hoàn thiện các bước theo quy định trong triển khai quy hoạch. Bên cạnh đó, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến tại buổi hội thảo hôm nay, Viện sẽ tổ chức thêm nhiều buổi tọa đàm, hội thảo tọa đàm để làm rõ các vấn đề đặt ra.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định, quy hoạch nông nghiệp Thủ đô còn nhiều việc phải làm. Theo Phó Chủ tịch Hà Minh Hải, tất cả các ngành nên có một cách thức tiếp cận chung trong việc xây dựng quy hoạch chung Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết 15. Tất cả các ngành phải xác định phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, để đưa vào nội dung khung định hướng quy hoạch Thủ đô.

Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, việc đánh giá thực trạng và hiện trạng là cực kỳ quan trọng. Bởi tồn tại, hạn chế của ngành từ lịch sử để lại là rất lớn. Ngành thủy lợi, lâm nghiệp, nông nghiệp… của Thủ đô còn bó buộc rất nhiều. Cơ sở dữ liệu của ngành nông nghiệp đang rất phân tán, không đầy đủ. Nếu không đánh giá kỹ thì không đi vào thực chất, lập quy hoạch chỉ là trên giấy. Vì vậy, vừa bàn quy hoạch, vừa phải có cơ chế riêng gỡ vướng những tồn tại trong lịch sử.

Bên cạnh đó, cần xác định rõ quan điểm phát triển của từng ngành, định hướng phát triển, định vị không gian phát triển. Cụ thể, cần chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và phát triển tuần hoàn. Nếu Hà Nội không làm thế này thì không phải Thủ đô của cả nước.

Đối với vấn đề quy hoạch đô thị gắn với quy hoạch nông thôn, cần xác định phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp là nền tảng phát triển du lịch, dịch vụ, không phải trồng rừng để lấy gỗ.