Quy hoạch phải dành quỹ đất để phát triển các dự án nhà ở xã hội

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Xây dựng đang tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), với nhiều đề xuất mới. Đáng chú ý, khi lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng cũng như quy hoạch đô thị phải xác định rõ diện tích đất dành để xây dựng nhà ở xã hội.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua, Bộ Xây dựng được Chính phủ, Quốc hội giao chủ trì xây dựng dự án Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi. Trong quá trình nghiên cứu để trình Quốc hội, đối với Luật Nhà ở, Bộ đang đề xuất sửa đổi 8 nhóm chính sách.

Về việc dành quỹ đất để đầu tư các dự án nhà ở, dự án đô thị, Bộ cũng có nghiên cứu và đề xuất để theo hướng việc dành quỹ đất phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng cũng như quy hoạch đô thị.

Tòa nhà ở xã hội tại 622 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Tòa nhà ở xã hội tại 622 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Đối với chính sách dành quỹ đất để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho hay, pháp luật về nhà ở đã quy định đối với việc dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Việc dành quỹ đất được giao cho các chủ đầu tư, các dự án thương mại 20% quỹ đất và thực hiện từ các đô thị từ loại III trở lên.

Tuy nhiên, việc dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội thực hiện trên diện rộng, do đó nếu chỉ dành 20% quỹ đất đô thị loại III trở lên sẽ hạn chế nguồn đất để phát triển nhà ở xã hội, nhất là những khu vực không phải đô thị loạii III, đặc biệt là những khu vực khu công nghiệp, có nhiều lực lượng người lao động.

Mặt khác, trong quá trình xây dựng dự thảo luật, Bộ Xây dựng đã xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân là chính sách được Đảng, Nhà nước quan tâm cho người nghèo, người thu nhập thấp và lực lượng vũ trang.

Do đó, tại dự thảo lần này, Bộ Xây dựng đề xuất việc dành quỹ đất giao cho UBND các tỉnh trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như quy hoạch xây dựng phải dành diện tích đất phù hợp để đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Về vấn đề giao đất và lựa chọn chủ đầu tư, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hiện nay việc giao đất và lựa chọn chủ đầu tư dựa trên hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và giao đất dưới dạng chỉ định chủ đầu tư trong trường hợp đất ở hợp pháp.

Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu thận trọng về việc chỉ định chủ đầu tư trong trường hợp chủ đầu tư đã có quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Đặc biệt là vấn đề giá giao đất phải phù hợp với giá thị trường và theo các chính sách pháp luật về đất đai.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ có những đề xuất chính thức trong dự thảo Luật Đất đai, nếu giải quyết được vấn đề này sẽ tạo ra một nguồn lực rất lớn để  phát triển các dự án nhà ở, khu đô thị nói chung trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Theo Bộ Xây dựng, tính đến nay trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2. Đang triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 455.000 căn, với tổng diện tích khoảng 22,718 triệu m2.

Đồng thời, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 175 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng 93.000 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 4,6 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai 274 dự án, quy mô xây dựng khoảng 293.000 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 14,6 triệu m2.

Đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án nhà ở công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, tổng diện tích 3,1 triệu m2. Đang triển khai (bao gồm các dự án đã được chấp thuận đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng) 127 dự án với quy mô xây dựng khoảng 160.000 căn hộ, tổng diện tích 8 triệu m2.

Với kết quả này, việc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn cùng như yêu cầu đặt ra, do đó việc phát triển nhà ở xã hội cần tập trung đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần