Hạ tầng đô thị không đồng bộ, quá tải
Tại Hội thảo phản biện đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được tổ chức vào cuối năm 2023, Phó Giám đốc Sở QH – KT Hà Nội Nguyễn Đức Nghĩa cho hay, để thực hiện việc nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 (gọi tắt là QHC 2011), Sở QH -KT, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các sở, ngành TP và các cơ quan có liên quan đã rà soát đánh giá việc thực hiện quy hoạch sau hơn 10 năm triển khai.
Qua đó phân tích và xác định 7 nội dung còn tồn tại, hạn chế như: Tỷ lệ đô thị hoá vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra; quy mô dân số đã vượt ngưỡng dự báo; Mô hình phát triển chùm đô thị chưa đạt được yêu cầu; công tác di dời chưa bảo đảm tiến độ; Phát triển đô thị còn phân tán, dàn trải, chưa đồng bộ…
Đặc biệt, lĩnh vực hạ tầng đô thị được đánh giá là không đồng bộ, quá tải, tác động tiêu cực tới môi trường phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển cơ sở hạ tầng khung chậm hình thành dẫn tới các hoạt động về giao thông, thoát nước, cấp điện, nước bị ách tắc, ngập úng. Hạ tầng chưa theo kịp với với phát triển đô thị. Hạ tầng vùng chậm hình thành để giảm tải cho khu vực trung tâm.
Phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội chưa gắn kết đồng bộ với định hướng phát triển không gian và đô thị. Bố trí khu vực phát triển nhà ở xã hội chưa hợp lý, thiếu đồng bộ về chất lượng chung giữa nhà ở thương mại và nhà ở xã hội tại cùng một khu vực. Quản lý dân cư theo quy hoạch và giám sát thực hiện theo quy hoạch tại một số khu đô thị mới còn hạn chế. Tỷ lệ đất dành cho giao thông, tỷ lệ vận tải hành khách bằng phương tiện công cộng chưa đạt kế hoạch.
Từ những hạn chế được chỉ ra, theo ông Nguyễn Đức Nghĩa trong điều chỉnh quy hoạch chung lần này sẽ xác định các nội dung trọng tâm để thực hiện điều chỉnh quy hoạch. Trong đó về lĩnh vực hạ tầng sẽ bổ sung các giải pháp quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung theo định hướng quy hoạch ngành quốc gia (đường hàng không, đường bộ, đường thủy, đường sắt) gắn với lộ trình triển khai thực hiện theo từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, nghiên cứu khớp nối đồng bộ các tỉnh lân cận trong vùng Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng. Nghiên cứu rà soát điều chỉnh bổ sung các tuyến đường trục chính, cầu qua sông Hồng, sông Đuống, sông Đà, sông Đáy và các tuyến sông chính khác.
Đề xuất các giải pháp chiến lược để khắc phục các tồn tại, bất cập về quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tắc nghẽn giao thông, phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội chất lượng cao, xử lý các vấn đề môi trường; nghiên cứu phương án bố trí hệ thống bến xe đối ngoại gắn kết với đầu mối giao thông, các tổ hợp đa chức năng gắn với yêu cầu phát triển hệ thống hạ tầng logistics, bổ sung các biện pháp quản lý phương tiện giao thông thông minh; rà soát điều chỉnh bổ sung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung còn thiếu như: nhà máy nước, khu xử lý rác thải, nước thải, nhà tang lễ, nghĩa trang...
Nghiên cứu kỹ phát triển không gian gắn với định hướng giao thông
Góp ý về lĩnh vực hạ tầng nhằm hoàn thiện đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065, Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến nêu, các đề xuất về định hướng quy hoạch đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không nhìn chung là rõ ràng có tính kế thừa, bổ sung cơ bản là đầy đủ.
Tuy nhiên, mạng lưới đường đô thị không nên chỉ tập trung ở thành phố trung tâm mà cần bổ sung giao thông tại các thị xã, thị trấn, đô thị vệ tinh bổ sung mạng lưới đường liên kết các điểm dân cư nông thôn. Bổ sung hệ thống cầu cạn, hầm đường bộ, hầm cho người đi bộ. Đường sắt đô thị ngoài các tuyến cần bổ sung những ga tàu chính để làm cơ sở bố trí kết hợp với phát triển khu vực đô thị.
Giao thông công cộng cũng là một nội dung chính của Quy hoạch chung và đây là định hướng lâu dài cho phát triển đô thị thông minh và xanh nhưng nội dung còn nghèo nàn, không rõ ý tưởng chủ đạo (kết hợp xe buýt, đường sắt đô thị, các điểm trung chuyển lớn…).
“Điều quan trọng cần phải bổ sung nghiên cứu kỹ hơn, đó là kết hợp định hướng phát triển không gian gắn với định hướng giao thông để hình thành các TOD, ngược lại định hướng giao thông cần chỉ ra những điểm, khu vực, đầu mối kết nối để gắn với phát triển đô thị…” - PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến nhấn mạnh.
Đối với thoát nước mặt, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến cho rằng đồ án đã làm rõ tiêu thoát nước ngoài các đô thị và khu vực nội thành Hà Nội, tuy nhiên cần bổ sung tiêu thoát nước mặt tại các thị xã, thị trấn và điểm dân cư nông thôn. Tương tự như vậy đối với thoát nước thải và ô nhiễm nguồn nước.
Về việc cấp nước sạch nên bổ sung đánh giá việc cấp nước tại các thị xã, thị trấn, đặc biệt cấp nước nông thôn (nguồn, trạm, nhà máy, mạng lưới, tổng công suất, chất lượng công trình, chất lượng nước…).
Đối với thu gom và xử lý chất thải rắn phải dự báo tổng lượng rác thải trên toàn thành phố theo từ giai đoạn là bao nhiêu (hiện mới có chỉ có riêng từng loại). Phân vùng xử lý, ngoài vị trí địa lý nên cân nhắc thêm phân vùng gắn với các khu, cơ sở xử lý để tránh trùng lặp, có phân vùng theo cơ sở xử lý mới tập trung đầu tư cơ sở xử lý giảm tải cho các khu xử lý chính. Mặt khác cũng nên cân nhắc xem lại các khu xử lý trong thành phố trung tâm nếu có điều kiện di dời còn nếu không thì lựa chọn công nghệ phù hợp (không sử dụng công nghệ chôn lấp, hạn chế sản xuất phân vi sinh… mà nên dùng công nghệ đốt thu hồi năng lượng).
Về nghĩa trang và cơ sở hỏa táng, đánh giá hiện trang cho thấy xây dựng nghĩa trang chưa được thực sự quan tâm, hầu như không có nghĩa trang nào được xây dựng mới theo quy hoạch. Trong định hướng quy hoạch cần cân nhắc việc tiếp tục mở rộng một số nghĩa trang (Yên Kỳ từ 38ha lên tới 583ha; các nghĩa trang khác…), một số nghĩa trang trong thành phố trung tâm cũng nên cân nhắc về quy mô… Nên liên kết hỗ trợ, hợp tác với các địa phương khác trong vùng Hà Nội để sử dụng hợp lý và theo nhu cầu các công viên nghĩa trang đã có giảm bớt cho Hà Nội.
Thủ đô Hà Nội đang bước vào kỳ quy hoạch mới với việc xây dựng hai bản quy hoạch lớn, quan trọng sẽ định hình chân dung, con đường phát triển của Thủ đô trong những năm tới đó là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065. Để có được một Hà Nội “văn hiến - văn minh - hiện đại” thì vấn đề có tính mấu chốt là TP phải quan tâm giải quyết tường tận về hạ tầng đô thị như giao thông, rác thải, nước thải, nghĩa trang,... ngay trong các quy hoạch quan trọng lần này - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS Trần Ngọc Chính