Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch trường học không theo kịp gia tăng dân số

Hồng Thái - Thuỷ Tiên - Thịnh An - Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân, quy hoạch mạng lưới trường học không theo kịp được tốc độ gia tăng dân số; tình trạng thiếu trường, lớp học, số học sinh tăng cao dẫn đến nhiều trường không giữ được chuẩn quốc gia.

10 năm, xây mới và cải tạo 1.362 trường học các cấp

Tại phiên giải trình trước HĐND TP về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và đầu tư, cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội, ngày 17/10, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, sau 10 năm thực hiện Quy hoạch mạng lưới trường học TP đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đến nay đã có 1.362 trường học được xây mới và cải tạo nâng cấp.

Các đại biểu tham dự phiên giải trình
Các đại biểu tham dự phiên giải trình

Hà Nội đã cơ bản đáp ứng tiêu chí tối thiểu mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS; khu vực có 3-5 vạn dân có 1 trường THPT công lập. Năm 2012, toàn TP có 962 trường chuẩn quốc gia; đến nay, toàn TP đã có 1.632 trường chuẩn quốc gia (thêm 670 trường mới).

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn 35 phường thuộc 8 quận thiếu 43 trường học (không đạt chỉ tiêu tối thiểu của Quy hoạch mạng lưới), tập trung chủ yếu tại 4 quận nội đô. Một số phường, xã khu vực ngoài đê (thuộc các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ...) bị giới hạn về mật độ xây dựng, tầng cao theo quy định của Luật Đê điều.

Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, sau 10 năm thực hiện Quy hoạch mạng lưới trường học TP đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đến nay đã có 1.362 trường học được xây mới và cải tạo nâng cấp
Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, sau 10 năm thực hiện Quy hoạch mạng lưới trường học TP đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đến nay đã có 1.362 trường học được xây mới và cải tạo nâng cấp

“Quy hoạch mạng lưới trường học không theo kịp được tốc độ gia tăng dân số; tình trạng thiếu trường, lớp học, số học sinh tăng cao dẫn đến nhiều trường không giữ được chuẩn quốc gia” - Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân chia sẻ.

Tại phiên giải trình, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh thừa nhận việc đại biểu Phạm Thị Thanh Hương (Tổ huyện Ứng Hòa) nêu về thực trạng trong khu đô thị, hạ tầng xã hội lúc nào cũng đi sau; dự án trường mầm non nằm trong khu nghĩa trang tương đối phổ biến… Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết sẽ cùng Sở Giáo dục & Đào tạo rút kinh nghiệm trong vấn đề này.

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh thừa nhận thực trạng hạ tầng xã hội trong khu đô thị lúc nào cũng đi sau
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh thừa nhận thực trạng hạ tầng xã hội trong khu đô thị lúc nào cũng đi sau

Sắp xếp tài sản công, ưu tiên xây dựng trường học

Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Ngọc Anh (tổ quận Bắc Từ Liêm) về trang thiết bị tối thiểu còn thiếu, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho biết, ngân sách TP Hà Nội dành cho giáo dục chiếm 32,8% tổng chi ngân sách TP, so với Trung ương là ở mức độ rất cao. Việc bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất dạy và học, hàng năm bố trí đầy đủ với cơ sở giáo dục do Sở GD&ĐT quản lý; với quận, huyện bình quân là 12 tỷ đồng/năm. Việc mua sắm trang thiết bị tối thiếu được Bộ GD&ĐT quy định có lộ trình, kế hoạch và Hà Nội đang đáp ứng đúng lộ trình.

Nguyên nhân mua sắm chậm so với kế hoạch và nhu cầu thực tế là do Thông tư của Bộ GD&ĐT với mỗi cấp học. Hà Nội bao giờ cũng muốn trang thiết bị cao hơn nhưng phải theo quy định của Bộ GD&ĐT. Quy trình mua sắm còn khó khăn do thủ tục và thẩm quyền của các trường. Khi giao cho các trường mua sắm thì giáo viên không thông thuộc các quy trình dẫn đến khó khăn, vì vậy chưa đạt được lộ trình.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho biết, khi sắp xếp tài sản công, ưu tiên quỹ đất xây dựng trường học
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho biết, khi sắp xếp tài sản công, ưu tiên quỹ đất xây dựng trường học

Do đó, Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, cần có giải pháp kiến nghị cho Hà Nội ban hành quy định danh mục mua sắm trang thiết bị giáo dục riêng, có tính chất dài hạn hơn danh mục mà Bộ GD&ĐT quy định. Trên cơ sở có được quy định này, TP sẽ rà soát đầu tư, ban hành danh mục đồng bộ trong vài năm đề có mặt bằng chung về trang thiết bị cho các trường, khối học... Với giải pháp này, kết thúc nhiệm kỳ giai đoạn 2021-2025, TP sẽ đạt mục tiêu.

Về vấn đề sắp xếp tài sản công, ưu tiên cơ sở cho xây dựng trường học, sau khi có Nghị quyết của HĐND TP về quản lý sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của TP Hà Nội (tháng 3/2023), Giám đốc Sở Tài chính cho biết, UBND TP đã khẩn trương ban hành quyết định phê duyệt đề án và kế hoạch triển khai thực hiện. Đến nay đã phê duyệt, sắp xếp được 10.700/12.000 cơ sở thuộc toàn TP (đạt 89%). Riêng với giáo dục phê duyệt 3.200 đề án, đạt 95%...

“Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Sở Tài chính đã tham mưu UBND TP bàn giao các cơ sở hành chính sự nghiệp chuyển sang xây dựng trường học. Quá trình thực hiện Sở Tài chính đã xin ý kiến Sở Xây dựng, Sở QH&KT theo hướng bất kỳ cơ sở nhà nước nào thuộc khối hành chính, sự nghiệp khi có diện tích đủ xây dựng cơ sở giáo dục công lập thì bàn giao ngay cho chính quyền quận, huyện để lên phương án xây trường công lập mà không nhất thiết phải điều chỉnh quy hoạch” - Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu thông tin.