Quỹ Khuyến nông Hà Nội: Rót vốn cho nông dân làm giàu

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đồng hành cùng nhiều nông dân, chủ trang trại trên địa bàn huyện Phúc Thọ nhiều năm qua, Quỹ Khuyến nông (QKN) Hà Nội không chỉ đáp ứng nhu cầu vay vốn mà còn tạo động lực kích thích sản xuất nông nghiệp địa phương theo hướng hàng hóa, quy mô lớn.

Điểm tựa tin cậy

Là một trong số hộ làm ăn khấm khá nhờ được tiếp cận nguồn vốn QKN TP, anh Quang Văn Chung (thôn Dum, xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ) phấn khởi cho biết, năm 2019, gia đình anh vay QKN TP 250 triệu đồng để nuôi 25 con bò BBB, đến nay đã trả nợ đúng hạn. Lần này anh xây dựng phương án chăn nuôi 40 con bò BBB với đề xuất vay 300 triệu đồng.

Nếu được Hội đồng thẩm định QKN TP chấp thuận và giải ngân, gia đình sẽ cải tạo, xây mới chuồng trại nâng diện tích chuồng nuôi bò từ 200m2 lên 350m2 theo phương thức khép kín. Anh Chung cũng dự kiến, trong tháng 12/2021 sau khi hoàn thành chuồng nuôi sẽ mua thêm khoảng 20 con bò BBB để vỗ béo và tăng thêm diện tích trồng cỏ làm thức ăn cho bò.

 Anh Quang Văn Chung (thôn Dum, xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ) chăm sóc đàn bò BBB của gia đình. Ảnh: Ánh Ngọc

Những năm gần đây, bò BBB đang được giá, với mức giá dao động 90.000 - 100.000 đồng/kg nên là cơ hội để người chăn nuôi tăng quy mô đàn, nâng cao thu nhập. Năm 2020, anh Chung đã xuất bán được 19 con bò BBB với giá 100.000 đồng/kg (bò hơi), trừ các khoản chi phí anh thu lãi hơn 200 triệu đồng. Hiện tại, anh Chung đang nuôi 16 con bò BBB bắt đầu bước vào giai đoạn vỗ béo. Để bảo đảm nguồn thức ăn chăn nuôi, ngoài lượng cám tinh, anh Chung còn trồng gần 3 mẫu cỏ và mua thêm rơm cuộn khô nhằm cân đối dinh dưỡng cho đàn bò.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi bò thịt vỗ béo, anh Chung cho hay, khi bò được 12 tháng tuổi hay còn gọi là “lên khung” thì bắt đầu vỗ béo. Trong giai đoạn vỗ béo từ 12 - 18 tháng tuổi, trung bình một ngày, mỗi 1 con bò ăn khoảng 5-6 kg thức ăn tinh (cám và bã bia) và 15 - 20kg thức ăn xanh (cỏ và rơm). Thời điểm bò xuất chuồng (trung bình 18 tháng tuổi) sẽ đạt trọng lượng khoảng 700 kg/con.

“Hiện nay, dù có khá nhiều kênh vay vốn có thể tiếp cận, song tôi luôn coi QKN là điểm tựa tin cậy để phát triển sản xuất bởi mức vay và thời hạn vay rất phù hợp với quy mô chăn nuôi của gia đình. Trong quá trình làm hồ sơ vay vốn tôi còn được cán bộ Trạm Khuyến nông Phúc Thọ tận tình hướng dẫn thủ tục để vay vốn như lập phương án sản xuất, hoàn thiện giấy tờ thủ tục về đất đai, tài sản thế chấp… Ưu việt hơn cả là luôn có cán bộ khuyến nông phụ trách đồng hành tư vấn từ thiết kế chuồng trại đến mua con giống, kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh” - anh Chung nói.

Tiếp sức làm giàu

Đây là lần đầu tiên, anh Dương Trịnh Quyết (cụm 5, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ) đề xuất vay vốn QKN TP 400 triệu đồng để nuôi 6.000 con gà ác đẻ trứng, với quy mô chuồng trại 1.000 m2. Đầu tư trang trại khép kín, hiện đại đòi hỏi nguồn vốn lớn nên khi được cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Phúc Thọ giới thiệu tiếp cận nguồn vốn QKN TP, anh Quyết vô cùng phấn khởi.

 Mô hình chăn nuôi gà ác đẻ trứng của hộ anh Dương Trịnh Quyết (cụm 5, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ánh Ngọc 

“Tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của cán bộ khuyến nông. Trước đó, anh trai ruột của tôi cũng đươc tiếp cận nguồn vốn QKN đầu tư trang trại nuôi gà đẻ, xây lò ấp trứng, hiện nay đang ăn nên làm ra và có tiếng khắp vùng. Cũng chính nhờ sự tiếp sức của QKN giúp tôi quyết tâm kiên định với con đường khởi nghiệp, làm giàu từ trang trại” – anh Quyết chia sẻ.

Năm 2020, gia đình anh nuôi hơn 4.000 con gà ác đẻ (lấy trứng ấp), với giá bán bình quân 7.000 - 8.000 đồng/con gà giống, trừ các khoản chi phí gia đình thu về 400 triệu đồng tiền lãi. Không chỉ có thu nhập cao từ bán gà giống, anh Quyết còn có thêm nguồn thu từ bán phân gà cho các trang trại trồng trọt với giá 90.000 đồng/tạ.

Hiện, anh Quyết đang nuôi 3.000 con gà ác đẻ trứng (hơn 5 tháng tuổi) bắt đầu vào thời kỳ khai thác trứng. Mới đây (ngày 30/11), anh cũng vừa thêm lứa gà mới với 3.000 con. Theo anh Quyết, gà ác được 5 tháng tuổi là bắt đầu đẻ bói, nhưng trong 2 tháng đầu trứng bói không dùng để ấp mà bán với giá 2.500 đồng/quả. Đến khi gà được 7 tháng tuổi thì bắt đầu gom trứng để ấp. Thời gian khai thác trứng là 12 tháng, khai thác trong khoảng 18 tháng thì phá đàn.

Tự tin về kinh nghiệm chăn nuôi bởi gia đình có truyền thống nuôi gà nhiều năm, anh Quyết cho rằng, nguồn gốc con giống mua từ địa chỉ uy tín (Viện Chăn nuôi quốc gia) cộng với thành thạo kỹ năng chăn nuôi, phòng bệnh cho gà nên hoàn toàn không lo ngại về dịch bệnh. Khi nắm chắc kỹ thuật, người nuôi có thể tự mua thuốc và tiêm phòng bệnh cho đàn gà như vaccine marek, hen xuyễn, cúm. Gà  sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh thì người chăn nuôi sẽ rất nhàn đồng nghĩa với chi phí sản xuất giảm và thu nhập tăng cao.

Hiện, Trạm Khuyến nông huyện Phúc Thọ đang quản lý 3 tỷ đồng cho 10 hộ vay vốn. Các phương án sản xuất gồm chăn nuôi bò thịt, nuôi vịt thương phẩm, nuôi gà đẻ, trồng hoa và trồng bưởi. Tất cả hộ vay vốn đều thực hiện có hiệu quả, sử dụng vốn đúng mục đích và nộp phí đúng quy định.

Từ đầu năm 2021 đến nay, trạm đã phối hợp với Phòng Quản lý QKN (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) tiếp nhận, hướng dẫn và phối hợp thẩm định 3 bộ hồ sơ vay vốn với mức vay 850 triệu đồng.

Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phúc Thọ Khuất Thúy Thỏa 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần