Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quỹ Khuyến nông Hà Nội: Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn vay từ Quỹ Khuyến nông (QKN) Hà Nội tiếp tục được sử dụng có hiệu quả, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, góp phần phát triển nông nghiệp Thủ đô bền vững.

Hơn 4.000 lượt hộ được vay vốn

Thành lập từ năm 2002, hơn 20 năm qua, QKN Hà Nội đã trở thành kênh tài chính ưu đãi giúp hàng ngàn hộ nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã… được vay vốn phát triển sản xuất.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội kiểm tra mô hình khuyến nông tại huyện Ứng Hòa. Ảnh: Ngọc Ánh
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội kiểm tra mô hình khuyến nông tại huyện Ứng Hòa. Ảnh: Ngọc Ánh

Khẳng định hiệu quả, sức lan tỏa của QKN, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, với nguyên tắc hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, trong 2 thập kỷ qua, QKN Hà Nội đã giải ngân cho trên 4.000 lượt hộ vay vốn, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu vốn sản xuất của các chủ trang trại, hộ sản xuất. Qua đó, tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động nông thôn với mức thu nhập trung bình từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng; góp phần khai thác, sử dụng tiềm năng đất đai, mặt nước hiệu quả, tạo giá trị sản phẩm hàng hóa đạt từ 250 – 500 triệu đồng/ha/năm.

Đặc biệt, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường Hà Nội, các tỉnh bạn và hướng tới xuất khẩu. Đồng thời tạo đầu mối kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp giữa các hộ, các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung. Giá trị sản phẩm của các phương án tăng từ 10 – 30% so với khi chưa được vay vốn QKN.

Đáng ghi nhận, QKN Hà Nội đã góp phần không nhỏ vào việc khai thác tiềm năng về đất đai, lao động, ngành nghề, thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, nhân rộng mô hình khuyến nông thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung như: vùng hoa, cây cảnh Tây Tựu, Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm), Đông La (Hoài Đức), Hồng Vân (Thường Tín); vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Đông Anh, Sóc Sơn, Quốc Oai, Ba Vì, Chương Mỹ; vùng nuôi trồng thủy sản ở Thanh Trì, Mỹ Đức, Chương Mỹ…

Hiện, Quỹ KN Hà Nội thường dành 15 - 20% tổng nguồn vốn giải ngân trong năm để ưu tiên hỗ trợ cho vay những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch của địa phương.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho hay, thời gian qua, Hà Nội đã tập trung làm tốt công tác kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất việc quản lý, sử dụng vốn của các hộ vay vốn, bảo đảm an toàn, đúng mục đích Hà Nội cũng đã kiện toàn Hội đồng thẩm định TP; hoàn thiện kế hoạch hoạt động cho vay và dự toán thu - chi hoạt động QKN trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cùng với đó rà soát, ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động QKN; xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên hoạt động QKN.

Hiện nay, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách liên quan tới hoạt động của QKN để đề xuất với Sở Nội vụ, Sở Tài chính báo cáo UBND TP có sự điều chỉnh phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của quỹ. Quan trọng hơn là để ngày càng có nhiều hộ nông dân, chủ trang trại tiếp cận được nguồn vốn phát triển sản xuất.

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Phương, trong bối cảnh ngành nông nghiệp Thủ đô thường xuyên đối diện với thiên tai, dịch bệnh, cũng như để đáp ứng nhu cầu phát triển trong xu thế hiện nay, Trung tâm Khuyến nông cần tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, điều hành và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn QKN. Trong quá trình giải ngân, cần tập trung ưu tiên hỗ trợ các mô hình ứng dụng công nghệ cao; phát triển và nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn, các chuỗi liên kết sản xuất, mô hình chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch… nhằm nâng cao giá trị ngành nông nghiệp.

Thời gian tới, trên cơ sở liên kết các hộ sản xuất, QKN Hà Nội sẽ cho vay đối với những mô hình, hộ theo chuỗi giá trị, từ đó sẽ nâng hiệu quả sản xuất, giá trị sản phẩm cũng như thu nhập của người nông dân. Song song với đó, thực hiện tốt Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND của HĐND TP về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội.

 

Tính đến hết ngày 31/12/2022, tổng nguồn kinh phí QKN có số dư đến là 213 tỷ đồng, trong đó kinh phí QKN nguồn phát triển sản xuất là 156,8 tỷ đồng, kinh phí QKN nguồn phát triển cơ giới hóa là 56,2 tỷ đồng.