Quỹ khuyến nông: “Bà đỡ” giúp dân làm giàu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm giúp nông dân có nguồn vốn phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trang trại, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) Hà Nội đã tiến hành giải ngân Quỹ Khuyến nông (QKN) cho 11 hộ tại xã Liên Châu, huyện Thanh Oai với tổng số tiền 4,6 tỷ đồng.

Đồng vốn quý giá

Trang trại nuôi cá - vịt kết hợp của hộ gia đình anh Lê Văn Trẻo, thôn Châu Mai, xã Liên Châu nổi tiếng khắp vùng bởi quy mô lớn và cho hiệu quả kinh tế cao. Là một trong những hộ đầu tiên xây dựng mô hình chuyển đổi từ năm 2003, đến nay, trung bình mỗi năm, trang trại 6ha của anh xuất bán ra thị trường hơn 4 triệu quả trứng vịt và trên 100 tấn cá các loại. Trừ các khoản chi phí, gia đình thu lãi trên dưới 700 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, với khoản chi phí thức ăn cho 17.000 con vịt đẻ lên đến gần 30 triệu đồng/ngày khiến gia đình không khỏi lo lắng về nguồn vốn đầu tư. “Năm 2014, gia đình tôi được vay 450 triệu đồng từ nguồn vốn QKN. Nhờ có nguồn vốn lớn, lại được tiếp sức kịp thời, gia đình làm ăn ngày một khấm khá, hoàn thành đáo hạn vay đầu năm nay” – anh chia sẻ.

Cầm trên tay số tiền 400 triệu đồng vừa được TTKN Hà Nội giải ngân, ông Đào Quang Vui, thôn Châu Mai, xã Liên Châu không giấu được sự vui mừng khi được vay một khoản tiền lớn mà thủ tục lại rất đơn giản, nhanh gọn. Ông cho biết, với số tiền này, gia đình sẽ đầu tư mở rộng quy mô nuôi gà đẻ siêu trứng từ 6.000 con lên 7.200 con. Đây cũng là cơ hội để gia đình đầu tư về hạ tầng, kỹ thuật nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng trứng. Cùng với gia đình ông Vui, các hộ được vay vốn lần này đều rất ủng hộ phương thức hỗ trợ của TTKN Hà Nội khi giải ngân trực tiếp tận tay từng hộ, giản tiện đáng kể các thủ tục, chi phí và thời gian đi lại. 

Toàn xã Liên Châu có 117ha diện tích chuyển đổi từ cấy lúa kém hiệu quả sang các mô hình chăn nuôi kết hợp cho giá trị kinh tế cao. Hiện xã có hơn 100 hộ nuôi cá – vịt kết hợp đạt mức thu nhập bình quân 200 triệu đồng/ha/năm. Được biết, đây là lần thứ hai, QKN Hà Nội giải ngân tại Liên Châu (lần 1 vào năm 2013). Như vậy, tính đến thời điểm này, xã đã có 33 hộ được vay vốn QKN với số tiền trên 15 tỷ đồng.

Nâng mức vay lên 1 tỷ đồng

QKN không chỉ đơn thuần là một quỹ tín dụng mà trong quá trình triển khai, lực lượng cán bộ quản lý Quỹ phải đảm nhận nhiệm vụ giám sát, hỗ trợ và tư vấn cho nông dân, giúp nông dân việc sử dụng đồng vốn hiệu quả. Sau 14 năm đi vào hoạt động, QKN Hà Nội đã giải ngân cho hơn 2.700 hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Điều mà ngành nông nghiệp Thủ đô quan tâm nhất khi thành lập QKN là làm sao để nông dân được vay vốn trong thời gian ngắn nhất, góp phần đảm bảo tính thời vụ và rủi ro trong quá trình sản xuất. Bà Vũ Thị Hương – Phó Giám đốc TTKN Hà Nội cho hay, đáng mừng là các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, số hộ nợ đọng rất ít. Mặc dù sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường nhưng các hộ vay vốn đều cố gắng khắc phục khó khăn, bảo vệ sản xuất và trả nợ đúng hạn.

Với mức vay tối đa 500 triệu đồng/lần/hộ, QKN đã trở thành động lực cho nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất tập trung, quy mô lớn. Song, thực tế cho thấy, nguồn vốn này chỉ đáp ứng một phần nhu cầu vay vốn của nông dân. Ông Ngô Đại Ngọc – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông dân tiếp cận nguồn vốn QKN, Sở đang  nghiên cứu, xây dựng quy trình vay vốn để những hộ đã sử dụng đồng vốn QKN hiệu quả tiếp tục được vay vốn lần 2. Bên cạnh đó, Sở sẽ cân nhắc và kiến nghị TP nâng mức vay tối đa lên 1 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu đầu tư của các hộ có quy mô sản xuất lớn.