70 năm giải phóng Thủ đô

Quy mô nền kinh tế càng lớn, thiệt hại do thiên tai cực đoan sẽ càng khốc liệt

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Quy mô nền kinh tế của Việt Nam đang ngày một lớn hơn, trong khi thiên tai cũng diễn biến ngày một dị thường, cực đoan. Nếu không có sự chuẩn bị tốt nhất, thiệt hại do thiên tai sẽ rất lớn.

Ngày 26/12, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021.
Thách thức do thiên tai sẽ ngày một lớn
Thông tin tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai diễn ra khốc liệt, dị thường trên khắp các vùng miền của cả nước. Việt Nam đã phải hứng chịu 576 trận thiên tai, trong đó có 14 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới, 264 trận đông, lốc, sét, mưa đá, 132 trận lũ quét, sạt lở đất, 90 trận động đất. Cùng với đó, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long…
Quang cảnh hội nghị
Dù đã được giảm thiểu đáng kể so với những trận thiên tai cùng cường độ trong những năm qua, tuy nhiên, hậu quả do thiên tai để lại vẫn rất lớn. Theo thống kê của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, các loại hình thiên tai xảy ra trong năm 2020 đã khiến 291 người chết và 66 người hiện còn đang mất tích. Ước tính thiệt hại về kinh tế là 39.945 tỷ đồng.
Ngay sau các đợt thiên tai, các bộ ngành, địa phương đã thành lập nhiều đoàn công tác tập trung hỗ trợ, hướng dẫn người dân vùng thiên tai khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ gần 2.162 tỷ đồng cho các tỉnh, TP chịu ảnh hưởn của thiên tai. Bên cạnh đó, vận động, tiếp nhận hỗ trợ từ 55 quốc gia và tổ chức quốc tế tổng kinh phí khoảng 25,1 tỷ USD (tương đương gần 584 tỷ đồng) cứu trợ cho các tỉnh miền Trung.
Theo nhận định, thiên tai ngày càng cực đoan, dị thường, đã và đang gây tổn thất nặng nề cho Việt Nam. Thậm chí, nhiều quốc gia hàng đầu về kinh tế, khoa học công nghệ, có năng lực phòng, chống thiên tai tốt nhưng vẫn bị thiệt hại lớn. Các loại hình thiên tai lớn, vượt lịch sử có nguy cơ tác động lớn, đe doạ sự an toàn và phát triển bền vững của đất nước. Đây là thách thức lớn đối với toàn xã hội nói chung và công tác phòng, chống thiên tai nói riêng, đòi hỏi công tác phòng, chống thiên tai phải ngày càng chủ động, quyết liệt và hiệu quả hơn.
Chủ động ứng phó trong mọi tình huống
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường, 2020 là năm điển hình về dị thường thời tiết khí hậu. Đánh giá công tác tham mưu rất chủ động, kịp thời; tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng trong tổ chức thực hiện, nhất là công tác cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ vẫn còn nhiều bất cập.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị
Đối với dự báo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đnáh giá, về tổng thể là tốt hơn những năm trước. “Dự báo về cường độ gió, bão rất sát. Tuy nhiên về lượng mưa thì còn sai số nhiều. Dù trên thực tế công tác này không thể tuyệt đối được…” - Bộ trưởng nhận định.
Đối với công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đánh giá: Công tác ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ và thực hiện khá tốt. Dẫn chứng cho điều này là việc trải qua hàng chục cơn bão, áp thấp nhiệt đới, số lượng tàu thuyền phải di dời tránh trú lên tới hàng triệu chiếc, với 4 - 5 triệu người nhưng chỉ có 1 sự cố trên biển.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thẳng thắn chỉ ra hạn chế trong công tác cứu hộ, cứu nạn. Công tác ứng cứu sự cố thiên tai vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp. Cùng với đó, trang thiết bị hỗ trợ công tác này hiện vẫn còn thiếu.
“Việc tổ chức lực lượng ứng phó đòi hỏi phải cơ động và tốt hơn nữa. Thực tế, lực lượng vũ trang rất nhiệt tình, xung kích, nhưng cần có sự điều phối chung tổng thể” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khuyến nghị.
Nhấn mạnh trong thời gian tới, tác động biến đổi khí hậu sẽ có xu hướng ngày càng cực đoan, dị thường, thiệt hại do thiên tai thời gian qua cũng sẽ được cộng dồn. Đặc biệt, nền kinh tế có quy mô càng lớn thì thiệt hại sẽ càng gia tăng nhiều hơn, khốc liệt hơn. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các bộ ngành T.Ư, các địa phương và toàn cộng đồng cần có sự chuẩn bị tốt nhất để chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai.