Quỹ nhà tái định cư: Bất cập nhiều bề

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thiếu nhà tái định cư cho các dự án GPMB là câu chuyện "khổ lắm, nói mãi". Nhưng thực tế, thật éo le khi có những quỹ nhà đã hoàn thành chờ người đến ở lâu đến mức… nhà xuống cấp. Bên cạnh đó, còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập khác trong xây dựng, bàn giao và sử dụng quỹ nhà tái định cư.

Éo le, nhà xuống cấp vì… chờ
 

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hầu hết các dự án đầu tư xây dựng nhà tái định cư (TĐC) thực hiện quá chậm so với tiến độ được phê duyệt. Điều này dẫn đến việc quỹ nhà TĐC thực tế không kịp hoàn thiện để bố trí phục vụ GPMB theo đúng tiến độ. Đơn cử về các dự án chậm tiến độ như Khu nhà ở di dân Hoàng Cầu (Đống Đa), Khu di dân Đền Lừ III (Hoàng Mai), dự án X1, X2 phường Hạ Đình, Thanh Xuân... Theo tính toán của Sở Xây dựng, so với tiến độ các dự án TĐC đang triển khai, nhiều dự án lớn trên địa bàn không được đáp ứng nhà TĐC đúng tiến độ yêu cầu của công tác GPMB. Không chỉ ảnh hưởng tiến độ chung, việc dự án kéo dài còn dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần tổng mức đầu tư cũng như nhiều vấn đề phức tạp khác do giá cả nguyên vật liệu liên tục tăng.

Trong lúc nhiều dự án dài cổ chờ nhà TĐC để thực hiện GPMB, thì tiến độ GPMB một số dự án trọng điểm chậm hơn nhiều so với kế hoạch, khiến cho rất nhiều căn hộ đã giới thiệu cho các chủ đầu tư không được đưa vào khai thác, sử dụng, dẫn tới sự xuống cấp của các tòa nhà. Nhà nước phải bỏ kinh phí để sửa chữa, bảo hành những căn hộ xuống cấp này. Có thể điểm một số dự án chậm tiến độ, khiến nhà phải chờ người đến ở như dự án đường Vành đai 1, đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, dự án đường Liễu Giai - Núi Trúc... Đây là một sự lãng phí nhiều bề khi mà nhiều dự án bị chậm tiến độ, chậm giải ngân vì thiếu quỹ nhà TĐC, trong đó có các dự án lớn như Vành đai 2, đoạn Cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở cần 3.500 căn; dự án đường Nguyễn Hoàng Tôn cần 900 căn, dự án đường Nguyễn Tam Trinh - Lĩnh Nam cần 900 căn...

Trước thực trạng trên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, Sở Xây dựng đã đề nghị thành phố cho phép điều chỉnh quỹ nhà TĐC đã bố trí cho các dự án bị chậm tiến độ 12 tháng, chuyển cho các dự án khác đang có nhu cầu sử dụng ngay. Để giải quyết nhu cầu sử dụng nhà TĐC sắp tới, ông Nguyễn Quốc Tuấn đề nghị thành phố cho phép áp dụng linh hoạt nhiều phương án TĐC. Chẳng hạn, TĐC bằng tiền, tạm cư bằng tiền hoặc mua quỹ nhà kinh doanh đã có tại khu đô thị mới để bố trí làm nhà TĐC...

Chậm tiền, chậm điện, nước…

Đơn vị đã nhận nhà thì chậm tiền, còn đơn vị bàn giao nhà lại chậm điện, nước, chậm thủ tục bàn giao… là những vấn đề bất cập khác liên quan đến nhà TĐC. Hiện nay, một số dự án cải tạo nhà chung cư cũ trên địa bàn sử dụng quỹ nhà TĐC của thành phố làm quỹ nhà tạm cư nhưng mãi chưa nộp tiền thuê vào ngân sách. Phục vụ dự án cải tạo nhà C1 Thành Công, quận Ba Đình, Công ty CP Công trình giao thông sử dụng 110 căn hộ tại nhà N06 khu 5,3ha Dịch Vọng để tạm cư cho các hộ gia đình từ tháng 10/2008 đến nay, nhưng chưa nộp tiền thuê nhà. Tương tự, tại dự án cải tạo Khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà số 7 sử dụng 254 căn hộ tại các nhà CT2, CT3 Khu đô thị Hoàng Văn Thụ và khu nhà ở Giáp Bát, nhưng cũng chưa nộp tiền thuê nhà cho thành phố.

Một số chủ đầu tư dự án xây dựng nhà TĐC còn không chịu thực hiện bàn giao nhà cho thành phố. Dự án xây dựng 133 căn hộ tại nhà 11 tầng lô NOTC tại thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm đã cơ bản hoàn thành từ cuối năm 2010, chỉ còn vướng thủ tục đấu nối điện nước và phòng cháy chữa cháy, nhưng chủ đầu tư không thực hiện nốt các phần việc còn lại. UBND TP Hà Nội đã cho phép các đơn vị chức năng tiếp nhận nguyên trạng 133 căn hộ này, song tới nay chưa thực hiện được.

Sở Xây dựng cũng thừa nhận thực tế, do nhu cầu bố trí nhà gấp để phục vụ GPMB nên phải đưa dân vào sử dụng nhà sớm trong khi dự án chưa hoàn chỉnh đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, làm ảnh hưởng tới điều kiện sinh hoạt, gây bức xúc cho người dân. Sở Xây dựng kiến nghị thành phố cho phép điều tra, đánh giá tình hình, điều kiện sống của người dân sau khi TĐC, để từ đó có đề xuất giải pháp nâng cao hơn nữa đời sống người dân tại nơi TĐC.

Theo Sở Xây dựng, quỹ đất 20% tại các khu đô thị dành cho dự án nhà TĐC đều giải phóng mặt bằng rất chậm. Sự chậm trễ này thuộc trách nhiệm chủ đầu tư. Đa số chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phần đất kinh doanh của mình, còn đất dành cho TĐC hay hạ tầng xã hội thì lơi là, thậm chí phớt lờ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần