Hệ lụy từ ứng xử thiếu văn hóa
Trong bài viết trước, tình trạng một số quận, huyện, nơi công cộng triển khai thực hiện QTƯX nơi công cộng còn hình thức, mang tính phong trào đã được đề cập. Theo đánh giá của Sở VH&TT Hà Nội, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc QTƯX chưa được triển khai hiệu quả là do nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh còn hạn chế. Sự gương mẫu của cán bộ, công chức, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý trong triển khai, thực hiện QTƯX có nơi còn chưa rõ nét.
Việc triển khai công tác tuyên truyền thiếu hiệu quả ở một số địa phương đã dẫn đến nhiều hình ảnh thiếu văn hóa nơi công cộng diễn ra ngang nhiên. Điển hình, ngày 31/12/2018, người dân tập trung quanh khu vực Hồ Gươm tham gia chương trình Countdown chào đón năm mới. Bên cạnh những hình ảnh đẹp trong thời khắc tạm biệt năm cũ, hình ảnh người chen nhau tìm chỗ đứng đẹp trong đêm giao thừa, nhiều bạn trẻ vô tư dẫm đạp lên các bồn hoa ven hồ, tạo dáng chụp ảnh, gây những cảnh tượng phản cảm nơi công cộng. Ngoài ra, không ít người còn xả rác bừa bãi, vứt túi nilon, vỏ chai xuống ngay chỗ ngồi, thay vì đem đến thùng rác gần đó. Người dân khi chứng kiến cảnh tượng trên cũng không dám nhắc nhở mà chỉ bày tỏ sự tiếc nuối. Anh Phạm Lê Phong (Bắc Ninh) chia sẻ: “Không phải công dân Thủ đô, tôi vẫn thấy hổ thẹn cho hành động của một số bạn trẻ. Các bạn ấy ăn mặc đẹp nhưng ý thức kém quá!”.
Những hành xử thiếu văn minh nơi công cộng, phá hoại cảnh quan môi trường như trên không phải chỉ lần một, lần hai. Có trường hợp, người dân còn cố tình vi phạm giao thông để thực hiện hành vi kém văn hóa. Ngày 6/3/2019, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh về việc người dân chen lấn, dừng đỗ xe giữa lòng đường để “hôi hoa” tại đường Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội. Trước sự việc này, nhiều người bày tỏ sự bức xúc, họ cho rằng ý thức một bộ phận người dân ở Hà Nội hiện vẫn còn yếu.
Gần đây, nhiều hành vi ứng xử thiếu văn hóa trong thang máy ở các chung cư còn khiến người dân lo sợ vì thái độ dửng dưng của người vi phạm và sự mất an toàn. Một số vụ việc nổi cộm như: Vụ việc tiểu bậy trong thang máy tại chung cư Gelexia Riverside 885 Tam Trinh (quận Hoàng Mai) ngày 22/6; vụ cô gái 20 tuổi đi vào thang máy khu chung cư Golden Palm (quận Thanh Xuân) bị người đàn ông lạ ép vào góc thang máy “đòi hôn” ngày 4/3. Hay tại chung HH Linh Đàm, người dân nhiều phen hết vía khi những vật thể lạ như: Gạch đá, thớt gỗ… rơi từ trên tầng xuống khu vui chơi của cư dân, đã có người bị đá rơi vào đầu gây thương tích.
Chia sẻ quan điểm về ý thức nơi công cộng, anh Trần Đoàn Hiếu (chung cư 18T1, Cầu Giấy, Hà Nội) lo ngại: “Qua một số vụ việc tại chung cư vừa qua, tôi thực sự lo lắng trước hành vi ứng xử của một bộ phận người dân. Ở chung cư, người dân chỉ có một vài không gian sinh hoạt chung như hành lang, thang máy, sân chơi mà có quá nhiều vấn đề. Từ những việc tưởng chừng như vô ý như nói chuyện lớn tiếng, hút thuốc lá thì giờ lại có cả hành vi biến thái gây mất an ninh trật tự”.
Người dân đề xuất phạt nặng
Với mong muốn hạn chế, giảm thiểu tối đa những hành vi ứng xử thiếu văn minh nơi công cộng, gây mất an ninh trật tự, nhiều người dân Hà Nội mong muốn, cơ quan chức năng cần có chế tài xử lý các cá nhân, tập thể vi phạm QTƯX nơi công cộng. Bà Lê Diệu Nga (Đống Đa, Hà Nội) đề nghị: “Văn hóa ứng xử nơi công cộng liên quan đến nhận thức, thói quen, lối sống. Do vậy, người nào có lối ứng xử lệch lạc, thiếu văn hóa, Hà Nội cần có chế tài, quy định xử phạt. Nếu không, địa phương cần có hình thức giáo dục, bắt người vi phạm QTƯX nơi công cộng phải lao động công ích để người vi phạm nhận thức được sai lầm của mình và không dám tái diễn”.
Sống tại chung cư Times City, anh Phạm Anh Ngọc đề nghị: “Qua những sự việc biến thái trong thang máy vừa qua, tôi đề nghị ở tất cả các chung cư trên địa bàn Hà Nội cần phải có camera giám sát, ghi hình lại các đối tượng có hành vi ứng xử kém văn hóa. Từ đó, quản trị tòa nhà tập hợp, gửi cho công an phường để xử lý. Thậm chí, với hành vi biến thái, xâm hại quyền cá nhân của người khác, chính quyền, bên cạnh xử lý về mặt luật pháp, cần có hình thức bêu tên trên các phương tiện truyền thông để xử lý đối tượng, răn đe với mọi người”.
Bên cạnh đó, theo ý kiến của chị Nguyễn Trà My (Tây Hồ, Hà Nội): “Qua một số hành xử thiếu văn minh nơi công cộng, tôi thấy giáo dục của chúng ta còn thiên về lý thuyết suông. Dù mỗi bài học đều răn dạy các em nên thế này, thế kia nhưng thực tế chỉ số ít làm được điều đó. Tôi mong rằng, qua bộ QTƯX nơi công cộng, các bạn trẻ hãy suy nghĩ, soi chiếu từng hành động của mình. Trước khi làm, hãy nghĩ đến tác hại để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể sẽ xảy đến với chính bản thân”.
Dưới góc độ người nghiên cứu về văn hóa Hà Nội, TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Xây dựng văn hóa công cộng không phải chuyện một sớm một chiều, nhất là trong thời đại xã hội nhiều biến đổi. Trước những sự việc thiếu văn minh như xả rác bừa bãi, ngắt hoa, bẻ cành… chúng ta cần lên án mạnh mẽ.
Thời gian qua, cộng đồng đã lên tiếng về những hành vi phản văn hóa – đó là văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, để mỗi cá nhân, con người có hành vi ứng xử tốt thì phải thường xuyên thực hành văn hóa. Sau đó, những nhà quản lý không nên phó mặc cho xã hội mà nên thực hiện chức trách của mình thật tốt để xây dựng văn hóa Thủ đô sao cho văn minh, thanh lịch”.
(Còn nữa)