Nâng cao hiệu quả quản lý trật tự xây dựng:

Quy trách nhiệm người đứng đầu

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến phức tạp liên quan đến công tác quản lý trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn, mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU, trong đó có nội dung đáng chú ý là xem xét kỷ luật người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm.

Cưỡng chế vi phạm xây dựng tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh
Cưỡng chế vi phạm xây dựng tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh

Vi phạm phức tạp

Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP về việc tăng cường công tác quản lý đô thị, TTXD khoảng 5 năm trở lại đây, tỷ lệ vi phạm trên địa bàn TP giảm mạnh về số lượng cũng như quy mô. Cụ thể, năm 2016 tỷ lệ vi phạm là 13,5%, đến năm 2020 giảm xuống 2,5% và trong năm 2021 chỉ còn 1,87%.

“Trong năm 2021, các cơ quan chức năng đã ban hành 1.393 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, với tổng số tiền gần 7 tỷ đồng. Thanh tra Sở Xây dựng cũng tổ chức 7 cuộc thanh tra, 43 cuộc kiểm tra, qua đó phát hiện, lập hồ sơ xử lý đối với 31 trường hợp vi phạm, ban hành 31 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 700 triệu đồng” - ông Nguyễn Việt Dũng thông tin.

Mặc dù giảm về số lượng nhưng tình trạng vi phạm TTXD lại diễn biến biến theo chiều hướng phức tạp hơn, không chỉ ở cá nhân, hộ gia đình riêng lẻ mà còn xuất hiện tại nhiều dự án đầu tư xây dựng quy mô lớn. Đơn cử như: Dự án Khu nhà ở, công trình công cộng số 409 đường Nguyễn Tam Trinh (Hai Bà Trưng); Dự án tòa nhà hỗn hợp Phúc La (Hà Đông); Tòa HH01 - thuộc dự án Khu chức năng đô thị Đại Mỗ (Nam Từ Liêm); Công trình nhà đa năng khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai (Thạch Thất); Chung cư cao tầng tại số 62 Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân); Dự án chung cư số 25 Tân Mai (Hoàng Mai) tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng diện tích không phải để ở... hay nổi cộm hơn là vi phạm tại công trình số 8B Lê Trực (Ba Đình).

Bên cạnh đó, vi phạm của những công trình không đủ diện tích để xây dựng theo quy định cũng đang xảy ra một cách tràn lan ở khắp các quận, huyện, đặc biệt là khu vực nội đô. Trên dọc những tuyến đường đã, đang được mở rộng như Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long (đường Phạm Văn Đồng), đường Võ Chí Công, đường Vành đai 1 đoạn Xã Đàn - Ô Chợ Dừa, đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Vĩnh Tuy, Thanh Nhàn… không khó để bắt gặp những ngôi nhà hình thù kỳ dị như hình thang, đa giác, tam giác…

Theo đánh giá, những vi phạm về TTXD không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý mà còn gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng lớn đến công tác quy hoạch, làm mất mỹ quan đô thị. Ngoài ra, việc xử lý vi phạm, đặc biệt ở những công trình buộc phải tháo dỡ, khôi phục lại hiện trạng ban đầu còn làm thất thoát kinh phí khá lớn của Nhà nước và xã hội. Vi phạm về TTXD vẫn đang là vấn đề nhức nhối.

Nâng cao hiệu quả quản lý

Để tăng cường hiệu quả của công tác quản lý TTXD nói riêng và công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đô thị nói chung, mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU. Trong đó có nội dung đáng chú ý là yêu cầu các cấp, ngành, đặc biệt là UBND các quận, huyện, thị xã chấn chỉnh kỷ cương, thực hiện chế độ xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trong quản lý TTXD trên địa bàn.

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các địa phương thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý. Đồng thời có chế tài gắn trực tiếp trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc xử lý tồn tại cũ và phát sinh mới đối với các trường hợp vi phạm về đất đai. Đặc biệt là những trường hợp vi phạm TTXD, xây dựng công trình trái phép trên đất công, đất nông nghiệp, lâm nghiệp, vi phạm hành lang bảo vệ công trình hạ tầng giao thông, công trình an ninh, quốc phòng; tăng cường cơ chế tự quản, phát huy vai trò của Nhân dân trong quản lý TTXD.

Xoay quanh vấn đề này, theo luật sư Hoàng Văn Đạo - Hội Luật gia Việt Nam, việc xử lý vi phạm TTXD đã được TP Hà Nội thực hiện quyết liệt trong nhiều năm qua và thu được những kết quả tích cực, thể hiện qua số liệu thống kê về số lượng cũng như quy mô vi phạm giảm mạnh theo từng năm. Ngoài việc xử phạt hành chính cá nhân, tổ chức vi phạm, không ít cá nhân lãnh đạo, tập thể trong cơ quan Nhà nước cấp cơ sở của TP Hà Nội bị kỷ trong thời gian qua liên quan đến vi phạm về đất đai, xây dựng.

“Chỉ thị số 14-CT/TU không phải văn bản đầu tiên của TP đốc thúc xử lý vi phạm. Nhưng đây là lần đầu tiên TP đưa vấn đề xử lý, quy trách nhiệm người đứng đầu chính quyền cơ sở khi để xảy ra sai phạm TTXD trên địa bàn quản lý vào văn bản chỉ đạo. Qua đó thể hiện sự thống nhất cao trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo và quyết tâm của TP Hà Nội đối với việc xử lý triệt để tình trạng vi phạm TTXD trên địa bàn” - luật sư Hoàng Văn Đạo cho hay.

KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam nhìn nhận, phải có sự “hậu thuẫn” của một số người đứng đầu cơ quan quản lý thì cá nhân, DN mới dám sai phạm. “Để xử lý tận gốc vấn đề này phải tìm ra những cá nhân liên quan đến sai phạm, kể cả từ nhiệm kỳ trước đưa ra xử lý, người kế nhiệm phải có trách nhiệm xử lý triệt để công việc tồn đọng, tìm ra những mắt xích còn yếu từ nhiệm kỳ trước để rút kinh nghiệm, khắc phục. Như vậy, tính tư duy nhiệm kỳ sẽ không còn, sai phạm về quy hoạch, xây dựng sẽ bị triệt tiêu” - KTS Phạm Thanh Tùng khẳng định.

Về nguyên tắc xử lý, công trình xây dựng vi phạm phải được phát hiện kịp thời, kết hợp với việc xử lý nghiệm minh, không bao che mới ngăn chặn kịp thời và không xảy ra hậu quả đáng tiếc. Để làm được điều đó, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường công tác giám sát, phối hợp phản ánh thông tin lẫn nhau, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý tránh xảy ra chồng chéo.

Đặc biệt, người đứng đầu cơ quan quản lý giữ vai trò quan trọng trong công tác điều hành và cũng phải là người chịu trách nhiệm cao nhất đối với vi phạm trong hoạt động quản lý Nhà nước. Với việc hàng loạt cán bộ lãnh đạo cao cấp ở nhiều địa phương bị kỷ luật liên quan đến sai phạm về đất đai, xây dựng thời gian gần đây sẽ là bài học sâu sắc đối với những người làm công tác quản lý Nhà nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.

 

"Sở Xây dựng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về cấp phép xây dựng, quản lý TTXD trên địa bàn TP; kịp thời phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khắc phục. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý TTXD đô thị nhằm đáp ứng yêu cầu công việc." - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng

"Để khắc phục tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như sửa đổi quy định xử phạt phù hợp với tình hình vi phạm hiện nay, quy định cần phải có tính răn đe, xử lý nghiêm và nặng; phải mạnh tay xử lý công trình vi phạm xây dựng, làm quyết liệt, triệt để. Nhưng để thực hiện được tinh thần này cần sự phối hợp chặt chẽ từ các cấp chính quyền địa phương." - Luật sư Trương Anh Tú - Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần