Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quyết định coi Nga là “nước tài trợ khủng bố” của EP là thiếu chuyên nghiệp

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người phát ngôn Điện Kremlin đưa ra tuyên bố trên khi nói về quyết định mới nhất của Nghị viện châu Âu (EP) khi coi Nga là “quốc gia tài trợ khủng bố”

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass

Tass đưa tin, trong bài trả lời phỏng vấn đài truyền hình Rossiya-1 ngày 27/11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, nghị quyết của Nghị viện châu Âu (EP) công nhận Nga là “nước tài trợ khủng bố” không có ràng buộc về mặt pháp lý. "Tâm lý sợ hãi người Nga và chống lại nước Nga vẫn đang diễn ra tại châu Âu,” ông Peskov nói.

Theo người phát ngôn Điện Kremlin, Nghị viện châu Âu thường đưa ra những quyết định liên quan đến Nga dựa vào yếu tố cảm xúc. Ông Peskov nhấn mạnh: "Chúng tôi hiểu rõ rằng trong những năm gần đây Nghị viện châu Âu không có thiện cảm với nước Nga”.

Đồng thời, quan chức Điện Kremlin chỉ trích việc Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết coi Nga là “nước tài trợ khủng bố” là một quyết định rất thiếu chuyên nghiệp.

"Cảm xúc là điều có thể thay đổi được. Hôm nay chúng là tâm lý chống Nga, và ngày mai sẽ là điều khác…," ông Peskov nhấn mạnh.

Trước đó hôm 23/11, trong một phản ứng mạnh mẽ trước động thái mới nhất của Nghị viện châu Âu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng Liên minh châu Âu (EU) nên được coi là “nhà tài trợ cho sự ngu ngốc”.

Nghị viện châu Âu hôm 23/11 đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc coi Nga là “nhà nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố”.

Việc coi Nga là “nhà nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố” là bước đi thể hiện sự lên án mới nhất của EU đối với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Một số quốc gia gồm Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan và Cộng hòa Czech trước đây đã thông qua các nghị quyết tương tự ở cấp quốc gia.

Động thái của Nghị viện châu Âu chủ yếu mang tính biểu tượng, song nghị quyết này cũng kêu gọi các quốc gia thành viên xây dựng một khung pháp lý mới, cho phép đưa vào danh sách đen không chỉ các cá nhân hay tổ chức mà là toàn bộ các quốc gia.

EU đã áp 8 lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu quan trọng cũng như các quan chức cấp cao nước này.