Quyết định tấn công Libya diễn ra như thế nào?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dưới góc độ ngoại giao, chiến dịch chống lãnh đạo Libya từ khâu bàn thảo đến khi chiếc máy bay đầu tiên xuất kích tấn công lực lượng thân Gadhafi đã diễn ra trong thời gian nhanh khác thường.

KTĐT - Dưới góc độ ngoại giao, chiến dịch chống lãnh đạo Libya từ khâu bàn thảo đến khi chiếc máy bay đầu tiên xuất kích tấn công lực lượng thân Gadhafi đã diễn ra trong thời gian nhanh khác thường.

Việc Pháp, Anh và Mỹ đồng loạt tấn công Libya bằng cả đường không và đường biển đêm 19/3 không phải là hành động nhận được sự nhất trí hoàn toàn, dù các nước Ảrập và cả Liên Hợp Quốc đã hậu thuẫn. Quyết định này diễn ra sau khi cộng đồng quốc tế bị cho là chậm trễ trong phản ứng trước biến cố tại Tunisia và Ai Cập hồi tháng 1 và tháng 2.

Khi làn sóng biểu tình lan tới Libya với việc quân đội bắn thẳng vào người biểu tình, giới lãnh đạo phương Tây và các nhà ngoại giao mới tỏ ra ít lãng phí thời gian hơn trong việc tìm tiếng nói chung. Ngày 26/2, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phê chuẩn nghị quyết trừng phạt chính quyền Gadhafi chỉ sau hai ngày bàn thảo, trong bối cảnh phe nổi dậy đang đối đầu ác liệt với quân đội chính phủ Libya.

Hai tuần sau, Pháp có động thái ngoại giao gây bất ngờ vào ngày 10/3, khi chính thức công nhận chính quyền lâm thời của phe nổi dậy lập ra tại phía đông Libya. Paris coi chính quyền tự xưng này là “đại diện hợp pháp cho nhân dân Libya”. Chỉ một ngày sau, đến lượt 27 nước trong khối EU đưa ra động thái hậu thuẫn tương tự với lực lượng chống đại tá Gadhafi.

Phản ứng của Liên đoàn Ảrập đối với vấn đề Libya cũng có những sắc thái khác thường. Họ thường phản đối gay gắt việc can thiệp từ bên ngoài vào một nước Ảrập và Hồi giáo có chủ quyền, nhưng lần này họ nhanh chóng ủng hộ vùng cấm bay tại Libya. Giới phân tích cho rằng, Liên đoàn Ảrập hy vọng việc hậu thuẫn vùng cấm bay sẽ giúp tiếng nói của họ có trọng lượng hơn với phương Tây trong các kế hoạch quân sự.

Ngày 12/3, khi lực lượng ủng hộ Gadhafi có dấu hiệu phản đòn phe nổi dậy một cách uy lực, 22 thành viên Liên đoàn Ảrập kêu gọi Liên Hợp Quốc lập vùng cấm bay tại Libya. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, nhất là với Mỹ trong chính sách với Libya. Nếu không có sự ủng hộ của thế giới Ảrập, bất cứ sự can thiệp quân sự nào vào Libya cũng đều có nguy cơ bị coi là cuộc xâm lăng của phương Tây.

Anh và Pháp là hai nước thảo ra nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an cứng rắn hơn với chế độ Gadhafi, trong đó trọng tâm là lập vùng cấm bay tại Libya để ngăn quân chính phủ bắn giết người dân. Mỹ ban đầu lưỡng lự vì cho rằng lệnh cấm bay là chưa đủ. Quan điểm này của Washington đã mở đường cho dự thảo nghị quyết mới cho phép “thực hiện tất cả biện pháp cần thiết” để bảo vệ thường dân Libya.

Sau đó nghị quyết về tấn công quân đội Gadhafi “bằng mọi cách” được Hội đồng Bảo an phê chuẩn ngày 17/3. Ngay hôm sau, Anh, Mỹ và Pháp cùng gửi một tối hậu thư cho đại tá Gadhafi yêu cầu ông ngừng bắn ngay lập tức nếu không sẽ “ăn đòn”. Từ đây, một hành động quân sự từ bên ngoài nhằm vào Libya, một quốc gia có chủ quyền, chỉ còn là vấn đề thời gian.

Ban đầu chính quyền Libya cũng nhận thức rõ nguy cơ phải đối đầu với màn “đánh hội đồng” từ những nước có quân đội mạnh bậc nhất hành tinh, nên tuyên bố ngừng mọi chiến dịch quân sự ngay trong ngày 18/3 khi nhận tối hậu thư. Động thái này làm giảm nhiệt phần nào tình hình và nhiều người đã nghĩ ngòi nổ chiến tranh tại Libya được tháo ngòi vào phút chót.

Nhưng sang sáng 19/3, lực lượng thân Gadhafi bị tố cáo đã mở các cuộc tấn công mới nhằm vào phe nổi dậy tại thành phố miền đông Benghazi. Động thái này không khác gì “gọi đòn”, vì ngay lập tức các máy bay chiến đấu cùng chiến hạm Anh, Mỹ, Pháp, Đan Mạch và Canada đổ về khu vực Địa Trung Hải gần Libya, chờ lệnh xuất kích bất cứ lúc nào.

Ngay trưa ngày 19/3, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy triệu tập gấp 22 nhà lãnh đạo quốc tế tới Paris họp thượng đỉnh bất thường bàn vấn đề Libya. Trong số này có Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, Thủ tướng Anh David Cameron, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Tổng thư ký Liên đoàn Ảrập Amr Moussa cùng nhiều lãnh đạo châu Âu và Ảrập khác.

Sau bữa trưa, Tổng thống Sarkozy tuyên bố các nhà lãnh đạo đồng ý không kích Libya và cho biết các máy bay Pháp đã xuất kích. Chỉ 90 phút sau, Pháp thông báo vụ tấn công đầu tiên tại Libya nhằm vào một xe tăng gần Benghazi. Sự kiện này đánh dấu mở màn chiến dịch liên quân không kích Libya, diễn ra ác liệt nhất vào đêm 19/3 khi chiến hạm Mỹ và Anh rót hơn 110 quả tên lửa Tomahawk, tiêu diệt 20 cơ sở phòng không của Gadhafi.

Việc Pháp chứ không phải Mỹ hay Anh phát động tấn công Libya cũng cho thấy sự thay đổi hoàn toàn về quan điểm quân sự không chỉ của riêng Paris. Nước này từng nổi tiếng với thái độ phản đối cuộc đánh chiếm của liên quân do Mỹ đứng đầu tại Iraq năm 2003. Khi đó Anh cũng buộc phải rút lại dự thảo nghị quyết của Liên Hợp Quốc về việc sử dụng vũ lực chống Saddam Hussein. Mỹ sau đó đã phải lập liên quân đánh Iraq mà không có sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an.

Lần này, Liên Hợp Quốc không những bật đèn xanh cho can thiệp quân sự vào Libya, mà Tổng thư ký Ban Ki-moon còn nhiệt tình tham dự hội nghị thượng đỉnh bất thường tại Paris bàn chuyện đánh Gadhafi. Sau đó ông Ban còn ca ngợi cuộc họp khẩn cấp này là một thành công. “Không bao giờ là muộn khi thực hiện một chiến dịch như thế này. Các nước Ảrập, châu Âu và Mỹ đều nói chúng một tiếng nói”, AP dẫn lời ông Ban Ki-moon.

Như vậy gần như tất cả đều chống lại chế độ Gadhafi tại Libya, dù một số nước như Nga và Trung Quốc chỉ trích hành động quân sự vào nước này, nhưng chỉ ở mức “lấy làm tiếc”. Đồng minh thân cận và lâu dài với ông là Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cũng không làm được gì hơn ngoài việc lên án chiến dịch và cáo buộc Mỹ “đang muốn chiếm nguồn dầu mỏ của Libya”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần