Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quyết định tăng sản lượng khiêm tốn của OPEC+ chỉ mang tính biểu tượng

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới phân tích đánh giá việc OPEC+ chỉ tăng nhẹ sản lượng dầu mỏ là một tuyên bố chính trị và là một thông điệp mang tính biểu tượng do liên minh gửi đi.

OPEC+ hôm 5/9 đã thông báo cắt giảm sản lượng khoảng 100.000 thùng/ngày để hỗ trợ giá dầu. Ảnh: Reuters
OPEC+ hôm 5/9 đã thông báo cắt giảm sản lượng khoảng 100.000 thùng/ngày để hỗ trợ giá dầu. Ảnh: Reuters

Quyết định mang tính biểu tượng của OPEC+

Trong cuộc họp chính sách thường kỳ hôm 5/9, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+, đã thông báo cắt giảm sản lượng khoảng 100.000 thùng/ngày để hỗ trợ giá “vàng đen”. Trước đó, tại cuộc họp hồi đầu tháng 8, nhóm OPEC+ đã quyết định tăng sản lượng dầu với mục tiêu tương tự là 100.000 thùng/ngày.

Ellen Wald - Chủ tịch của Transversal Consulting nhận định trên đài CNBC hôm 6/9: “Về cơ bản, quyết định tăng sản lượng dầu ở mức khiêm tốn của OPEC+ giống như một con số 0 đối với thị trường năng lượng toàn cầu. Việc OPEC+ bổ sung thêm sản lượng vào tháng trước cũng không đáng kể và liên minh này lại đảo ngược mức tăng nhỏ giọt khi kết thúc cuộc họp chính sách trong tháng 9 này”.

Theo chuyên gia Wald, thông điệp cơ bản của OPEC+ có ý nghĩa hơn bản thân việc cắt giảm sản lượng. “Ý nghĩa biểu tượng của việc cắt giảm này là quan trọng hơn nhiều đối với thị trường và giá dầu Brent đã bị đẩy lên rất nhiều sau quyết định này”, bà Wald cho biết.

Andy Lipow, Chủ tịch của Lipow Oil Associates cho biết: “Điều đó cho thấy một quan điểm về chính trị đối với Tổng thống Joe Biden cũng như Liên minh châu Âu, báo hiệu rằng OPEC+ sẽ đi theo con đường riêng của mình và họ muốn giữ giá dầu ở mức cao”.

“Về cơ bản OPEC+ đang muốn chứng tỏ rằng việc cắt giảm hoàn toàn nằm trong khả năng của họ và rất có thể sẽ thực hiện một đợt cắt giảm có ý nghĩa hơn nhiều so với mức này”, ông Lipow nói thêm.

Thị trường dầu mỏ thế giới liên tục biến động trong các phiên giao dịch đầu tuần này sau quyết định về sản lượng của liên minh do Ả Rập Saudi và Nga dẫn đầu. Giá dầu leo dốc khoảng 3% vào thứ Hai (5/9) sau thông báo giảm sản lượng của OPEC+. Giá dầu Brent dao động quanh mức 95 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI duy trì ở mức 88 USD/thùng.

Tuy nhiên, giá dầu lại đảo chiều đi xuống khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/9 do lo ngại tác động từ việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng như  việc phong tỏa ngăn Covid-19 tại Trung Quốc.

Chuyên gia đầu tư hàng hóa Tamas Varga tại công ty PVM nhận định: “Trọng tâm của thị trường hiện chuyển từ chính sách sản lượng của OPEC+ sang triển vọng nhu cầu dầu mỏ trước lo ngại về nguy cơ giảm tốc của kinh tế toàn cầu, dịch Covid-19 kéo dài tại Trung Quốc và quyết định về lãi suất của ECB trong ngày thứ Năm”.

Áp đặt giá trần với dầu Nga sẽ không khả thi

Cả hai chuyên gia Andy Lipow và Ellen Wald đều bày tỏ sự hoài nghi về hiệu quả của biện pháp giới hạn giá với dầu mỏ Nga.

Các nhà phân tích năng lượng tỏ ra rất nghi ngờ về hiệu quả của biện pháp áp giá trần với dầu mỏ Nga. Ảnh: RT
Các nhà phân tích năng lượng tỏ ra rất nghi ngờ về hiệu quả của biện pháp áp giá trần với dầu mỏ Nga. Ảnh: RT

Tuần trước, 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) đã đồng ý áp đặt giá trần với dầu Nga nhằm gây sức ép với Moscow và  giảm chi phí dầu cho người tiêu dùng.

Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Shri Hardeep Singh Puri hôm 5/9 cho biết, nước này sẽ xem xét kỹ lưỡng xem có ủng hộ đề xuất của G7 về việc áp đặt giá trần với dầu mỏ Nga hay không.

Ông Puri nói thêm rằng, vẫn chưa rõ những quốc gia nào sẽ tham gia vào đề xuất này và những tác động có thể có đối với thị trường năng lượng.

Theo Bộ trưởng Puri, Ấn Độ tiêu thụ khoảng 5 triệu thùng dầu mỗi ngày và lượng dầu này chủ yếu đến từ Iraq, Ả Rập Saudi, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Trong khi đó, dầu mỏ của Nga chỉ chiếm 0,2% lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ tính đến cuối tháng 3, ít hơn nhiều so với các nước châu Âu.

Cùng ngày, Nga cũng tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa đối với đề xuất này và cho biết họ sẽ ngừng bán dầu cho các quốc gia áp đặt giới hạn giá đối với xuất khẩu năng lượng của Nga.

Tuy nhiên, các nhà phân tích năng lượng tỏ ra rất nghi ngờ về hiệu quả của biện pháp áp giá trần với dầu mỏ Nga, đồng thời cảnh báo rằng chính sách này có thể phản tác dụng nếu những người tiêu dùng quan trọng như Trung Quốc và Ấn Độ không tham gia.

Chuyên gia Wald cho rằng một số nước sẽ đồng ý không mua dầu từ Nga, song các quốc gia khác như Ấn Độ và Trung Quốc nhiều khả năng vấn tiếp tục nhập khẩu mặt hàng nhiên liệu này của Moscow do mức chiết khấu cao. “Tôi chưa nhận thấy tính khả thi của chính sách này, ngoại trừ việc đẩy giá dầu đi lên và nhiều nước vẫn mua dầu mỏ của Nga” - bà Wald cho biết.

Cũng đưa ra quan điểm tương tự, chuyên gia Lipow nói rằng việc áp đặt giá trần với dầu mỏ Nga là bất khả thi bởi vì cả Trung Quốc và Ấn Độ đều “đã được hưởng lợi từ việc giảm giá sâu từ dầu của Nga”.

Trong khi đó, việc thực hiện biện pháp giới hạn giá với dầu của Nga có thể bảo vệ người tiêu dùng khỏi việc trả giá cao hơn thay vì giảm nhu cầu về dầu. “Họ không có động cơ để giảm nhu cầu. Điều đó có nghĩa là các chính phủ trên khắp châu Âu sẽ in tiền để gửi tới người tiêu dùng và càng lún sâu vào nợ nần,” ông Lipow nhấn mạnh thêm.