Quyết liệt ngăn chặn cúm gia cầm H7N9 vào Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát tại cuộc họp khẩn với các bộ, ngành và đại diện các tổ chức quốc tế FAO, WHO tại Việt Nam để bàn biện pháp ứng phó với virus cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng virus khác vào Việt Nam chiều 13/2.

Theo thông tin tại cuộc họp, đến ngày 13/2, tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), giáp với biên giới 4 tỉnh phía Bắc của Việt Nam đã có 3 ca nhễm cúm A/H7N9. Như vậy, từ khi xuất hiện (tháng 3/2013) đến nay, virus cúm gia cầm H7N9 đã lây nhiễm, gây bệnh cho 337 ca trên người, trong đó có 70 ca tử vong tại nhiều địa phương ở Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc).
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát phát biểu tại cuộc họp chiều 13/2.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát phát biểu tại cuộc họp chiều 13/2.
Virus cúm A/H7N9 thường được phát hiện ở những nơi tập trung nhiều gia cầm như chợ đầu mối gia cầm và có cơ chế lây truyền từ gia cầm sang người với tỷ lệ tử vong cao. Ghi nhận ở Trung Quốc còn phát hiện một lượng mẫu nhỏ chim hoang dã, chim bồ câu… qua xét nghiệm dương tính với virus cúm A/H7N9.

Trước tình hình cúm A/H7N9 có nguy cơ lây lan vào Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với chủng virus này và các chủng virus cúm gia cầm khác vào Việt Nam.

Ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, kế hoạch đưa ra 4 tình huống khẩn có thể xảy ra ở Việt Nam. Đó là: Chưa phát hiện cúm gia cầm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường và trên người; Chưa phát hiện virus H7N9 trên gia cầm, môi trường nhưng có người nhiễm; Chưa phát hiện trên người nhưng trên gia cầm có nhiễm; tình huống xấu nhất là phát hiện trên cả gia cầm và người. Với cả 4 tình huống này, Bộ đều xây dựng những giải pháp cụ thể để triển khai phòng chống dịch.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, nếu như gia cầm nhiễm virus cúm A/H5N1 đều phát bệnh rồi chết thì H7N9 gây bệnh nhưng không có triệu chứng lâm sàng và không gây chết gia cầm nên chỉ có thể biết bằng cách xét nghiệm. Trong khi đó, hiện chưa có vaccine đặc trị loại virus cúm này. Do đó, cần phối hợp và làm quyết liệt hơn nữa để ngăn chăn virus cúm A/H7N9 xâm nhập qua đường biên giới. Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị thực hiện cấm nhập khẩu gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam dưới mọi hình thức.

Dự kiến, trong ngày 14/2, Bộ NN&PTNT sẽ ký và ban hành kế hoạch hành động khẩn ứng phó với virus cúm gia cầm H7N9.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần